Sau cuộc họp chính sách mới nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục là 4%, đồng thời cũng gửi đi một tín hiệu rõ ràng hơn về việc chuẩn bị cắt giảm lãi suất khi lạm phát khu vực đồng EUR tiếp tục giảm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất ở mức 4% cao kỷ lục

Mức lãi suất cao kỷ lục đã được duy trì từ tháng 9/2023 như một phần trong nỗ lực kiềm chế giá cả tại khu vực này.

Tuy nhiên, quyết định này không được nhất trí vì một số thành viên đã ủng hộ việc giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách mới này.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch ECB, nói: “Một số thành viên cảm thấy đủ tự tin (để giảm lãi suất) dựa trên dữ liệu hạn chế mà chúng tôi nhận được vào tháng 4. Chỉ có một số thành viên đồng tình với việc giữ nguyên lãi suất".

Bà Lagarde lưu ý rằng lãi suất cơ bản của ECB đang hỗ trợ đáng kể cho quá trình giảm phát. Ước tính sơ bộ của cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy lạm phát đã giảm từ mức 2,6% hàng năm trong tháng 2 xuống 2,4% trong tháng 3.

Tuy nhiên, chủ tịch ECB vẫn cho rằng mức giảm lạm phát có thể biến động trong những tháng tới, và chỉ số này sẽ chỉ giảm dần vào năm tới do chi phí lao động tăng nhẹ hơn, tác động của chính sách tiền tệ hạn chế và tác động giảm dần từ cuộc khủng hoảng năng lượng và đại dịch.

Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao khoảng 4% trong 5 tháng qua và lạm phát khu vực, chủ yếu do dịch vụ gây ra, ở mức 4,5% trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, bà Lagarde nhắc lại rằng ECB đã xem xét tất cả các thành phần lạm phát trong các đánh giá của mình.

Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 70-75% ECB sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6.

Triển vọng lãi suất trên toàn cầu trở nên bấp bênh hơn trong tuần này khi Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 nóng hơn dự báo. Thị trường cho rằng với sự dai dẳng này của lạm phát, Fed phải đợi đến tháng 9 mới có thể bắt đầu giảm lãi suất, muộn hơn nhiều so với kỳ vọng gần đây là thời điểm tháng 6.

Ngoài ra, thị trường cũng giảm bớt kỳ vọng về số lần giảm lãi suất của Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) trong năm nay. Một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ eurozone và Anh có thể muốn tránh việc cắt giảm lãi suất nhanh hơn Fed, một phần vì làm như vậy có thể khiến tỷ giá đồng euro và đồng bảng Anh suy yếu so với đồng USD, dẫn tới áp lực lạm phát gia tăng tại các nền kinh tế này.

Tuy nhiên, bà Lagarde bác bỏ quan điểm cho rằng ECB chưa sẵn sàng cho việc giảm lãi suất trừ phi Fed giảm. “Chúng tôi hành động dựa vào dữ liệu kinh tế chứ không phụ thuộc vào Fed”, bà nói và nhấn mạnh rằng lạm phát ở Mỹ và eurozone là không giống nhau, đồng thời cảnh báo việc rút ra kết luận về một ngân hàng trung ương từ một ngân hàng trung ương khác.

Theo chiến lược gia Ann-Katrin Petersen của Viện Đầu tư BlackRock, so với Fed, “ECB đối mặt với tăng trưởng kinh tế yếu hơn và đã tăng lãi suất sâu hơn trong vùng thắt chặt”. “Bởi vậy, ECB có lẽ sẽ phải hạ lãi suất trước, nhưng sau đó có thể ECB sẽ giảm lãi suất với tốc độ chậm nếu Fed trì hoãn việc cắt giảm”, bà Petersen nói với Financial Times.