Mua bán online ""giảm tải"" cho ATM
Thói quen mua hàng online đã góp phần “giảm tải” cho máy ATM. Ảnh minh họa

Thay đổi thói quen dùng tiền mặt

Khảo sát tại các phố lớn như Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm)… máy ATM hầu như không có người rút tiền. Ngay cả những khu vực nhiều trụ sở văn phòng như phố Cầu Giấy, Trung Kính, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy)… tình trạng này cũng không xảy ra. Rõ ràng, trái với dự đoán của nhiều người về nguy cơ tắc nghẽn máy ATM trong những ngày cận Tết Nguyên đán, phía trước các cây ATM vẫn trống không.

Theo lãnh đạo một ngân hàng ở Hà Nội, dịch Covid-19 đã khiến nhiều người thay đổi thói quen, vì hầu hết lương, thưởng đều được trả qua thẻ ngân hàng, nên thói quen sử dụng tiền mặt cũng được thay thế bằng việc thanh toán tiền qua chuyển khoản hoặc mua sắm online. Trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng xếp hàng trước máy ATM những ngày sát Tết Nguyên đán thường xuyên xảy ra, khiến các ngân hàng dù chuẩn bị kỹ kho quỹ, tiền mặt để bổ sung cho máy ATM cũng có nhiều thời điểm trở tay không kịp.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Trước đây, tôi chủ yếu dùng tiền mặt để mua sắm, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, tôi trả tiền bằng hình thức chuyển khoản, vừa bảo đảm an toàn, tránh tiếp xúc, lại tiết kiệm thời gian. Bởi máy ATM là nơi tập trung nhiều người, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 dễ xảy ra".

Không chỉ ở các phố lớn nội thành, trong các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều nhà máy, công ty với số lượng người lao động lớn cũng không có quá nhiều người xếp hàng ở máy ATM.

Khảo sát ngày 24-1 tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, chỉ có vài người rút tiền ở máy ATM. Đại diện các doanh nghiệp ở đây đều khẳng định, toàn bộ lương của người lao động được trả qua thẻ ATM và được trả sớm để người lao động có thể chủ động chi tiêu.

Ông Nguyễn Ngọc Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xuất khẩu cho hay, thay vì chi trả tiền mặt cho người lao động, công ty chuyển khoản để tránh tập trung đông người, vì công ty có hơn 1.000 lao động.

Còn tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), các cây ATM của nhiều ngân hàng thưa thớt người tới giao dịch. Mọi năm, vào thời điểm này, nhiều cây ATM lúc nào cũng quá tải khi có rất đông người xếp hàng chờ tới lượt rút tiền, nhưng những ngày sát Tết năm nay, thực tế lại trái ngược. Số liệu từ một số ngân hàng cho thấy, nếu như vào thời điểm dịp Tết như các năm trước, mỗi cây ATM được cán bộ tiếp quỹ 2-3 lần/ngày, tổng giá trị tiếp quỹ gần 1 tỷ đồng/lần, năm nay, việc tiếp quỹ đã giảm gần một nửa.

Mặc dù lượng giao dịch rút tiền mặt tại ATM giảm, nhưng thực tế, nhu cầu rút vẫn tăng hơn so với ngày thường. Do vậy, dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng tại ATM của một số ngân hàng vẫn có tình trạng trục trặc, ATM không “nhả” tiền hoặc được dán thông báo tạm ngưng hoạt động.

Đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán

Máy ATM không còn tình trạng xếp hàng dài, nhưng không ít người lại phàn nàn về việc tắc nghẽn dịch vụ ngân hàng online. Tuy nhiên, thực tế, việc quá nhiều người sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử cùng một thời điểm nên chuyện bị nghẽn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, thông thường, chỉ sau khoảng vài phút, các giao dịch ngân hàng online như chuyển khoản trong hệ thống, chuyển khoản liên ngân hàng, thanh toán dịch vụ đều có thể thực hiện được.

Đại diện một số ngân hàng cũng khẳng định, nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến những ngày qua đã khiến hệ thống đôi khi bị quá tải gây gián đoạn dịch vụ. Các ngân hàng đều đã khẩn trương khắc phục để dịch vụ sớm ổn định trở lại. Để tránh tình trạng nghẽn mạng khi giao dịch online hay phải chờ đợi, xếp hàng rút tiền tại ATM hoặc phòng giao dịch ngân hàng, các ngân hàng khuyến cáo người dùng nên có kế hoạch chuẩn bị trước và tránh vào dịp cao điểm.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhận định, dịp Tết Nguyên đán năm nay, ATM sẽ không quá tải như những năm trước đây, bởi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người dân nên khả năng công nhân tập trung rút tiền mặt tại ATM tại các khu công nghiệp sẽ ít xảy ra hơn. Mặt khác, xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử cũng sẽ giúp cho phân tải từ hệ thống ATM sang chuyển tiền online...

Đại diện Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng khẳng định, NAPAS có thể thực hiện được khối lượng giao dịch rất lớn, mỗi ngày có thể lên tới 7 triệu giao dịch chuyển mạch mà vẫn đảm bảo an toàn.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các đơn vị phải tập trung đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, thanh toán, tín dụng của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết, bảo đảm mọi hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, thông suốt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2022 cũng có văn bản đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác thanh toán dịp Tết Nguyên đán 2022.