Sẽ thí điểm trên cả nước trong khoảng 2 năm

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ (Mobile Money), Ngân hàng Nhà nước nhận được đăng ký triển khai hoạt động của 3 đơn vị là: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Sau khi nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển văn bản lấy ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Công an vì đây là vấn đề đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định.

Để chuẩn bị cho Mobile Money, các đơn vị gửi hồ sơ đã triển khai thí điểm nội bộ với hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên để diễn tập các kịch bản nghiệp vụ cũng như rà soát toàn trình và thử nghiệm mức độ thông suốt của hệ thống. Bên cạnh đó, các yếu tố công nghệ, hạ tầng, mạng lưới kinh doanh cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

Trả lời thắc mắc vì sao có tới 3 Bộ cùng tham gia quản lý dịch vụ này, Phó Thống đốc cho rằng, Mobile Money là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán, tránh bị lợi dụng.

Về kế hoạch thí điểm, lúc đầu dự định triển khai tại một số địa phương nhưng sau khi cân nhắc, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho triển khai đồng bộ trên cả nước trong khoảng 2 năm. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và thực thi chính thức. Trong bối cảnh còn nhiều người Việt Nam chưa có tài khoản và khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, việc thí điểm này nhằm tận dụng hạ tầng dữ liệu, mạng lưới viễn thông để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp. Bộ trưởng nhận định rằng đây là cách nhanh nhất để thanh toán điện tử phủ được toàn dân và hy vọng sẽ tạo thành cú huých mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.

Mobile Money, hay còn được gọi là tiền di động, được hiểu là hình thức thanh toán được thực hiện thông qua một thiết bị di động và vận hành theo quy định tài chính của mỗi quốc gia. Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng, người dùng có thể sử dụng tài khoản của điện thoại di động để thanh toán cho các dịch vụ hàng ngày. Có thể hiểu dịch vụ Mobile Money về bản chất là e-money hay ví điện tử, nhưng không có liên kết tài khoản ngân hàng.

Mobile Money sẽ là cuộc đua
Mobile Money sẽ là cuộc đua "tam mã": Đòn bẩy để "bình dân hóa" dịch vụ tài chính

Tài khoản Mobile Money gắn với SIM, đơn vị cung cấp dịch vụ (ở đây là các nhà mạng viễn thông như Viettel, VinaPhone, MobiFone…) không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông. Tiền trong tài khoản phải được mang bảo đảm tại ngân hàng và không được sử dụng cho mục đích khác ngoài thanh toán. Ngoài ra, tiền trong tài khoản Mobile Money không được trả lãi.

Tại Việt Nam, hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông đã được Bộ TT&TT đề xuất vào khoảng 2 năm trước và được Chính phủ đồng ý thí điểm thanh toán với hàng hóa có giá trị nhỏ, ở một đơn vị viễn thông. Hiện có hơn 270 dịch vụ Mobile Money khác nhau trên thế giới, được sử dụng phổ biến nhất ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh.

Mobile Money khác với ví điện tử và tài khoản ngân hàng như thế nào?

Theo Quyết định 316, mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại một nhà mạng. Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng phải có SIM chính chủ, SIM này hoạt động liên tục tối thiểu 3 tháng và được nhà mạng định danh, xác thực theo quy định về đăng ký thuê bao di động.

Có 3 cách để khách hàng nạp/rút tài khoản Mobile Money là thực hiện tại điểm giao dịch của nhà mạng, từ tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của chính nhà mạng. Sau đó, khách hàng có thể dùng tiền trong tài khoản Mobile Money thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị chấp nhận loại tiền này. Đồng thời, chủ thuê bao di động có thể chuyển tiền sang tài khoản Mobile Money của người khác trong cùng một nhà mạng, cũng chuyển tiền sang tài khoản thanh toán tại ngân hàng và ví điện tử do nhà mạng cung cấp. Điểm khác biệt với tiền để trong tài khoản ngân hàng, người dùng Mobile Money sẽ không được nhà mạng trả lãi hàng tháng và cũng như tài khoản ngân hàng, bị cấm cho thuê, mượn, tặng, bán tài khoản và thông tin tài khoản.

Mặt khác, cần phân biệt Mobile Money với ví điện tử. Ví điện tử là một tài khoản điện tử thường được tích hợp vào ứng dụng điện thoại, được xem như một ví đựng tiền lẻ giúp người dùng thanh toán tại các điểm chấp nhận offline và online. Bất kỳ ai có tài khoản ngân hàng (liên kết với ví điện tử) và một chiếc smartphone đều có thể sử dụng và giao dịch bằng ví điện tử. Trong khi đó, Mobile Money là tài khoản điện tử được mở dựa trên thuê bao di động, cũng dành cho thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ. Song người dân không cần phải có tài khoản ngân hàng cũng có thể đăng ký và dùng dịch vụ tiền di động với điều kiện sử dụng SIM chính chủ.

Điểm khác biệt lớn nhất là dịch vụ Mobile Money không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng và thanh toán như ví điện tử. Bù lại, hạn mức giao dịch hàng tháng bằng tiền di động chỉ 10 triệu đồng trong khi hạn mức của ví điện tử gấp 10 lần con số này.

Chính phủ quy định doanh nghiệp thí điểm phải đồng thời có giấy phép trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con của các công ty có giấy phép trên. Như vậy, có 3 nhà mạng đủ điều kiện xin phép tham gia cung cấp dịch vụ là Viettel, VNPT và MobiFone. Các nhà mạng cho biết đã chuẩn bị sẵn hạ tầng, kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu về an toàn, bảo mật cũng như phòng chống rủi ro, nguy cơ rửa tiền có thể xảy ra.

Mobile Money sẽ mở rộng được đối tượng khách hàng tham gia thanh toán điện tử. Khi các nhà mạng triển khai dịch vụ này thì 100% khách hàng sử dụng điện thoại di động đều sử dụng được dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Mobile Money rất tiện lợi cho thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ như thanh toán tiền điện, tiền nước hay hàng hóa mệnh giá nhỏ. Bản thân dịch vụ Mobile Money sẽ đem lại sự an toàn, thuận tiện cho người dân khi trao đổi mua bán với nhau có thể thanh toán dễ dàng, không sợ rơi hay mất tiền.

Mobile Money sẽ là cuộc đua "tam mã"

Theo Tổng cục Thống kê, trong vài năm gần đây, Việt Nam là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam là hơn 123 triệu trên gần 100 triệu dân. Trong đó, hơn 90 triệu thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có số lượng thuê bao di động nhiều nhất cả nước, lần lượt là 9,8 triệu và 12,5 triệu thuê bao.

Các doanh nghiệp viễn thông đã tiến hành chuẩn bị cho Mobile Money từ rất sớm. Trong suốt khoảng 2 năm trước khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định cho phép thí điểm Mobile Money, các doanh nghiệp VNPT, Viettel và MobiFone đã phối hợp cùng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) để chuẩn bị nội dung hồ sơ. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng những phương án, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự và các chính sách liên quan.

Theo báo cáo của Cục Viễn thông, Viettel đã thí điểm thu phí đỗ xe ô tô qua hình thức thanh toán điện tử tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hoạt động chuẩn bị cho Mobile Money được Viettel thực hiện cách đây 2 năm, công ty cũng hoàn thành việc test thử nghiệm nội bộ dịch vụ này với 40.000 nhân viên. Kết quả: tỷ lệ người dùng tài khoản viễn thông là 94% so với 6% sử dụng tài khoản ngân hàng. Với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel khẳng định có đủ năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến cấp xã, phường tại các địa phương.

Trong quý I/2021, VNPT đã triển khai thí điểm Mobile Money nội bộ với hơn 40.000 cán bộ, nhân viên của Tập đoàn. “Việc thí điểm nội bộ rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi diễn tập các kịch bản nghiệp vụ cũng như rà soát toàn trình và thử nghiệm mức độ thông suốt của hệ thống. Hiện tại, VNPT đã sẵn sàng để đưa Mobile Money ra thị trường chính thức, ngay khi được cấp phép”, đại diện VNPT chia sẻ.

MobiFone cũng hoàn thành hồ sơ đề xuất thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money, đồng thời đang thử nghiệm hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Các dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS đang giảm rất nhanh và MobiFone phải đẩy nhanh những dịch vụ nội dung số, thanh toán điện tử để bù đắp. Vì vậy, Mobile Money chính là cơ hội cho các nhà mạng viễn thông tăng doanh thu.

Năm 2020, khi dịch COVID-19 có những dấu hiệu lan rộng, việc triển khai Mobile Money đã được xem là một nhu cầu cấp thiết cả trong ngắn hạn và dài hạn. Chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra các quyết sách nhằm hạn chế việc tiếp xúc và sử dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 đã đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Mobile Money là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Nhờ khả năng vận hành chỉ cần tới mạng viễn thông mà không phụ thuộc vào Internet hay tài khoản ngân hàng, Mobile Money không chỉ dễ dàng giúp thay thế tiền mặt trong các giao dịch nhỏ lẻ hàng ngày, mà còn là phương tiện phù hợp để Chính phủ giải ngân trực tiếp các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội đến từng người dân thuộc nhóm yếu thế, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm 2020, lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có tăng trưởng ấn tượng tại tất cả các kênh: Internet tăng 65,9%; điện thoại di động tăng 86,3%; QR code tăng 95,7%.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng tài khoản ngân hàng chưa cao, nhưng mật độ thuê bao di động thì đạt trên 100%. Như vậy, nếu được chính thức triển khai, Mobile Money sẽ là đòn bẩy quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng của thanh toán điện tử tại Việt Nam. Mobile Money hứa hẹn một tương lai mà việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính được “bình dân hóa”, đặc biệt đối với cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Mobile Money cũng góp phần phổ cập kiến thức tài chính toàn diện cho toàn dân. Thông qua đó, người dùng dần quen với cách sử dụng những dịch vụ tài chính chính thức khác tại các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, dưới áp lực cạnh tranh từ Mobile Money, các tổ chức cung ứng dịch vụ, ngân hàng khác cũng phải nâng cao chất lượng, do đó khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tốt và thuận tiện hơn.