Trong thời gian qua, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt nam đã và đang ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo “TMĐT phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số”, trong bối cảnh năm 2023, kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến hơn và các doanh nghiệp buộc phải đầu tư để thích nghi với các nhu cầu mới của khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ.

Logistics – 'chìa khoá' mở ra 'cánh cửa' cơ hội của thương mại điện tử
Các sàn TMĐT hiện đang đầu tư mạnh hơn vào logistics.

Trong những xu hướng nổi bật nhất là những công nghệ giúp nâng cao năng suất, tốc độ và hiệu quả trong quy trình logistics, đơn cử như các hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu trong các lĩnh vực tự động hóa, công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối cơ sở hạ tầng…

Trong đó, các công nghệ về tự động hóa và kết nối cơ sở hạ tầng giải quyết bài toán tối ưu quy trình giao hàng, giúp giảm chi phí, giảm dư thừa, lưu trữ số liệu và đồng bộ qua thông tin, hỗ trợ quản lý dữ liệu theo thời gian thực.

Các công nghệ AI như phát triển trợ lý giọng nói, chatbot, AI trong hoạt động tiếp thị và quảng cáo…, giúp đẩy mạnh tính năng cá nhân hóa trong vận hành logistics.

Ví dụ điển hình là sàn TMĐT Lazada đã xây dựng được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật công nghệ tương đối hoàn thiện, hướng tới ứng dụng công nghệ trong hầu hết quy trình vận hành, từ hoạt động quản lý vận hành gian hàng, hệ thống logistics đến trải nghiệm khách hàng. Có thể kể đến một số công nghệ nổi bật giúp sàn TMĐT này tối ưu quy trình giao nhận như: công nghệ bản đồ số tính toán mật độ người gửi và người nhận ở cùng một khu vực, thuật toán tính điểm đặt trạm khai thác, số hóa việc thiết kế mạng lưới vận chuyển, công nghệ VRP tối ưu hóa tuyến đường đi của nhân viên giao nhận…

Logistics – 'chìa khoá' mở ra 'cánh cửa' cơ hội của thương mại điện tử
Điều quan trọng là xây dựng một nền tảng hạ tầng kỹ thuật công nghệ hoàn thiện giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động TMĐT.

Đến nay, hệ thống logistics là một phần quan trọng của TMĐT với vai trò kết nối đầu cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp TMĐT, bao gồm cả các hệ thống xuyên quốc gia.

Có thể xem sự phát triển của TMĐT và ngành logistics là một mối quan hệ “cộng sinh”, cụ thể TMĐT càng tăng trường thì bước chuyển mình của ngành logistics càng mạnh mẽ hơn. Báo cáo ngành TMĐT năm 2023 chỉ ra bất chấp chi phí logistics đối với ngành TMĐT vẫn còn khá cao, các doanh nghiệp TMĐT vẫn đang tăng cường vào mảng logistics bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy (machine learning), AI, Internet of Things (IoT) và blockchain để tối ưu hóa hoạt động logistics.

Cùng với đó, sử dụng các đối tác logistics đáng tin cậy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nhân lực chất lượng giúp hoạt động logistics được thuận lợi và hiệu quả. Bên cạnh việc đầu tư cho hệ thống giao nhận, kho bãi và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ sau giao hàng cũng được các doanh nghiệp TMĐT chú trọng hơn, từ đó góp phần nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Ngoài ra, giải pháp giảm thiểu lượng khí thải carbon trong toàn bộ hệ thống logistics đang đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và sử dụng các giải pháp thân thiện môi trường để thay thế.