Theo đó, để tăng cường việc chấp hành pháp luật về quản lý vận hành nhà chung cư, Bộ Xây dựng cũng đã thường xuyên tiến hành thanh tra đối với các chủ đầu tư, Ban quản trị tại các địa phương về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.

Riêng trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân đang sinh sống tại các nhà chung cư.

Sau khi thanh tra, Bộ Xây dựng đã ban hành các kết luận thanh tra trong đó đã xử lý hành vi vi phạm của các chủ đầu tư cũng như có các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm (phạt tiền, buộc trả lại diện tích lấn chiếm…)

Các kết luận thanh tra này đã góp phần giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân sinh sống trong nhà chung cư, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội tại địa phương.

Bộ Xây dựng nêu loạt giải pháp ngăn vi phạm trong quản lý nhà chung cư. Ảnh minh họa
Bộ Xây dựng nêu loạt giải pháp ngăn vi phạm trong quản lý nhà chung cư. Ảnh minh họa

Để tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như: sửa đổi, bổ sung cách xác định diện tích khác trong nhà chung cư (lô gia, hộp kỹ thuật); các hình thức tổ chức Hội nghị nhà chung cư; điều kiện năng lực thành viên Ban quản trị; điều kiện, năng lực của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; quản lý, sử dụng, cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; việc quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực nhà chung cư nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc hiện nay góp phần tạo dựng nếp sống văn minh đô thị, hạn chế các khiếu nại, tranh chấp xảy ra.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến các chủ thể có liên quan trong quản lý, sử dụng nhà chung cư như: người dân, chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật trong quá trình quản lý, sử dụng vận hành nhà chung cư.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Thứ tư, Bộ Xây dựng cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này như: thường xuyên hướng dẫn các chủ đầu tư, các ban quản trị và cư dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nhà ở; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Theo Bộ Xây dựng, trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện chính sách về quản lý, sử dụng nhà chung cư; thường xuyên tiến hành thanh tra đối với các chủ đầu tư, ban quản trị tại các địa phương về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.