Nhiều tín hiệu dự báo một cuộc suy thoái đang diễn ra…

Mới đây, ông Bill Dudley, cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã bày tỏ trong một bài báo trên Bloomberg rằng “một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi trong 12-18 tháng tới”. Tức là vào vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Trước đó, vào ngày 28/7, Bộ Thương mại Mỹ công bố: GDP quý II/2022 của nền kinh tế Mỹ đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 1,6% trong quý I/2022.

Khi Fed ra sức nỗ lực kiềm chế mức lạm phát tồi tệ nhất trong bốn thập niên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - một thước đo được theo dõi tăng trưởng kinh tế chỉ ra rằng, Mỹ đã có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Đây được xem là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy một cuộc suy thoái đang diễn ra.

Nhiều nhà kinh tế đã khẳng định, nền kinh tế lớn nhất thế giới “đang rơi vào suy thoái” nhưng những người khác lại khẳng định “còn quá sớm để khẳng định cuộc suy thoái này”.

Kinh tế Mỹ suy thoái hay không vẫn là chủ đề gây tranh cãi
"Nền kinh tế lớn nhất thế giới thực sự suy thoái hay không?" hiện đang là chủ đề chia đôi dư luận. Ảnh: Twitter

Trong luồng ý kiến cho rằng sự suy thoái diễn ra, chuyên gia đầu tư và giám đốc điều hành công ty quản lý đầu tư Ark Invest – Cathie Wood nhận định: “Vấn đề lớn ở đó là hàng tồn kho ... sự gia tăng mà tôi chưa bao giờ thấy lớn đến mức này trong sự nghiệp của mình. Hàng tồn kho trong quý II/2022 đã giảm với tốc độ 0,3%, so với mức tăng 2% trong giai đoạn trước đó”.

Theo Viện quản lý cung ứng (ISM) có trụ sở tại Mỹ, lĩnh vực sản xuất của nước này tăng trưởng chậm hơn trong tháng 6/2022 trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục tắc nghẽn và lạm phát gia tăng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đứng ở mức 53%, giảm 3,1%.

Hai nhà kinh tế tại công ty Wells Fargo Securities - Tim Quinlan và Shannon Seery, chỉ ra: “Hoạt động dịch vụ tại Mỹ đang hạ nhiệt”.

Hiên tại, các thị trường tài chính đang đặt cược vào Fed theo những cách khác. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã vượt lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm với biên độ cao nhất trong khoảng 22 năm vào ngày 5/8. Hiện tượng đó được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, là một dấu hiệu suy thoái đáng kể, đặc biệt khi nó diễn ra trong một thời gian dài. Trong trường hợp hiện tại, sự đảo ngược này đã diễn ra từ đầu tháng 7/2022.

Mặt khác, những tín hiệu như lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lập trường không rõ ràng của Fed đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Nhiều số liệu phản ánh niềm tin tiêu dùng đang ở mức thấp kỷ lục, rất nhiều người Mỹ nói rằng họ không hài lòng với nền kinh tế. Lạm phát cao và nhiều yếu tố khác đang ảnh hưởng đến thu nhập mỗi giờ của rất nhiều lao động Mỹ bị giảm với tốc độ nhanh.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, tác động kinh tế không đồng đều đối với các ngành nghề và người lao động, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ ràng hơn, cho thấy mô hình phục hồi kinh tế Mỹ sau đại dịch đang theo kiểu tăng trưởng hình chữ K.

Cụ thể, sự phân hóa trong nền kinh tế với những nhóm ngành, tương ứng với các nhóm người được hưởng lợi sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong khi phần còn lại giảm mạnh. Những người có thu nhập thấp phải cố gắng “thắt lưng buộc bụng”, thậm chí vay nợ, trong khi những người giàu có vẫn tiếp tục vung tiền vào các kỳ nghỉ và các mặt hàng xa xỉ.

Theo Simon Property, chủ sở hữu của nhiều trung tâm mua sắm tại Mỹ, trong khi nhiều người tiêu dùng đã phải kiềm chế chi tiêu, vẫn có những người khác mạnh tay cho các mặt hàng cao cấp tại Trung tâm mua sắm Brooks Brothers.

Tập đoàn Molson Coors chuyên về đồ uống cũng chứng kiến xu hướng ngày càng nhiều thực khách chọn đến các thương hiệu rẻ hơn như Keystone Light và Miller High Life, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi trả cho đồ uống đắt tiền như Blue Moon và Peroni.

Giám đốc tài chính của McDonald's cho biết, ông nhận thấy, ngày càng nhiều người nợ thẻ tín dụng, tìm kiếm các thương hiệu rẻ hơn và kiếm thêm công việc, chẳng hạn như lái xe cho Uber. Trong khi, đại diện Delta Air Lines cho biết, nhu cầu mua vé cao cấp có xu hướng nhiều hơn, có lẽ từ những khách hàng giàu có hơn.

CEO của Kohl - Michelle Gass nhận định rằng, người tiêu dùng đang phân nhánh rõ rệt. Theo báo cáo của LendingClub, vào tháng Sáu, 61% người Mỹ khá vất vả để sống qua ngày, con số này vẫn đang tăng lên. Dữ liệu từ Fed cho thấy, hầu hết những người đi vay vẫn đủ khả năng trả nợ, nhưng các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn 50.000 USD/năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, những người Mỹ giàu có dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lạm phát, với nguồn thu nhập ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Kinh tế Mỹ suy thoái hay không vẫn là chủ đề gây tranh cãi
Lạm phát gia tăng ở Mỹ khiến người tiêu dùng có thu nhập thấp khó khăn hơn. Ảnh: WEFORUM

Ở một diễn biến khác đầu tư của doanh nghiệp Mỹ đã giảm trong quý II/2022. Hậu đại dịch, sự gián đoạn chuỗi cung ứng dai dẳng, tình trạng thiếu chắc chắn của nền kinh tế hậu COVID-19 và lo ngại suy thoái không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng mà chính các doanh nghiệp cũng “lưỡng lự” về quyết định đầu tư cho tương lai.

Với những tín hiệu trên, nhiều chuyên gia khẳng định nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với một giai đoạn “suy thoái” đầy khó khăn.

Những vẫn còn quá sớm để khẳng định?

Về luồng ý kiến đối lập, nhiều chuyên gia cho rằng hiện chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy sự suy thoái kỹ thuật sẽ biến thành một cuộc suy thoái toàn diện.

Theo Manu Bhaskaran, CEO của Trung tâm Nghiên cứu Centennial Asia Advisors (Singapore), suy thoái kinh tế không chỉ đơn thuần là sự sụt giảm của GDP, mà còn phải phản ánh thực trạng sâu xa hơn. Đó là sự suy giảm về thu nhập, việc làm, sản xuất công nghiệp và dịch vụ kéo dài và lan rộng trên phần lớn nền kinh tế. Như vậy, sự suy thoái với tính chất như vậy không phải là kịch bản đối với Mỹ.

Desmond Lachman, thành viên cấp cao tại Viện doanh nghiệp Mỹ đồng tình hai quý âm liên tiếp là định nghĩa phổ biến của suy thoái, nhưng quyết định chính thức về việc liệu Mỹ có suy thoái hay không là nhiệm vụ của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER). Theo đó, suy thoái liên quan đến sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trải rộng trên toàn nền kinh tế và kéo dài vài tháng.

“Thị trường lao động hoạt động tốt, tôi không chắc NBER sẽ vội vàng kết luận rằng, Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái”, Lachman nhận xét.

Cụ thể, ngày 5/8, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy, các nhà tuyển dụng Mỹ đã bổ sung thêm 582.000 việc làm trong tháng 7/2022 trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục thắt chặt. Mức tăng việc làm này đã giúp hạ tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức thấp trước đại dịch là 3,5%. Theo số liệu này, sự phục hồi đang diễn ra nhanh hơn gần ba lần so với sự phục hồi từ cuộc Đại suy thoái.

Kinh tế Mỹ suy thoái hay không vẫn là chủ đề gây tranh cãi
Có tín hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang cải thiện niềm tin với nền kinh tế, tuy nhiên mức tăng còn chậm. Ảnh: Reuters

Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) nhận định: “Báo cáo việc làm của Mỹ tiếp tục cho thấy một thị trường lao động mạnh mẽ, phù hợp với một nền kinh tế vững mạnh và áp lực lạm phát vừa phải”

Oren Klachkin, nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết, những tin tức đáng khích lệ về tình trạng của nền kinh tế sẽ dần được đưa ra vào những tháng cuối năm. “Đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong gương chiếu hậu và không có nghĩa là suy thoái kinh tế đã bắt đầu”, ông nói.

Kể cả với vấn đề niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng, các số liệu cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vẫn tăng đều đặn. Theo quy luật cung cầu, thị trường lao động vẫn đang phát triển với cơ hộ việc làm dồi dào.

Hơn nữa, việc chi tiêu ít hơn trong đại dịch COVD-19 đã mang lại khoản tiền tích lũy trong các hộ gia đình, ước tính mức chi tiêu tiềm năng lên tới khoảng 2.000 tỷ USD. Khoản tiền tiết kiệm trong 2 năm dịch bệnh đang là một nguồn hỗ trợ hiệu quả cho các gia đình trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao bởi lạm phát.

Chưa kể, trong những ngày qua, hàng loạt số liệu được công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đang có rất nhiều tín hiệu lạc quan.

Bên cạnh việc nền kinh tế đã tạo thêm hơn nửa triệu việc làm chỉ trong tháng 7, những tín hiệu khác còn là tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5%, ở mức thấp nhất kể từ năm 1969. Lạm phát có phần “hạ nhiệt” trong tháng 7. Giá xăng giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3, xuống dưới 4 USD/Gallon Tâm lý người tiêu dùng đã được cải thiện. Thị trường chứng khoán ghi nhận chuỗi xanh hằng tuần dài nhất kể từ tháng 11/2021.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nhận định: "Đây không phải là một cuộc suy thoái. Điều duy nhất báo hiệu một cuộc suy thoái đang diễn ra là những quý liên tiếp đón nhận GDP âm. Tuy nhiên, sự sụt giảm GDP cuối cùng sẽ được điều chỉnh lại và đã có những chỉ số ban đầu cho thấy, GDP sẽ chuyển biến tích cực trong quý này".

Dù vậy, tất cả nhưng điều này không có nghĩa là nền kinh tế đang "khỏe mạnh" và tăng trưởng tốt, đặc biệt trong bối cảnh chung, nền kinh tế toàn thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi các tác động từ đại dịch, chiến tranh, và các khủng hoảng địa chính trị khác.

Đến nay, suy thoái hay không suy thoái vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi tại Mỹ.