Dự án tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, có tổng chiều dài 104,48 km, trong đó đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài 77 km; đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Giang dài 27,48 km. Tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.

Chính phủ phân cấp cho hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang làm cơ quan chủ quản, thực hiện theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) được khởi công hôm nay là đoạn thuộc địa phận tỉnh Hà Giang (trên địa bàn huyện Bắc Quang) dài 27,48 km. Dự án có tổng mức đầu tư dự án 3.198 tỉ đồng.

Đây là dự án giao thông nhóm A, nằm trong quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là tuyến cao tốc đầu tiên được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang với quy mô 2 làn xe, phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.

Dự án giai đoạn 1 hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những năm tới, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đầu tư giai đoạn 2 (nâng lên quy mô 4 làn xe) và đầu tư xây dựng đoạn kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).

Tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía bắc nói chung, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng, cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án càng có ý nghĩa hơn khi góp phần giải quyết điểm nghẽn lớn của Hà Giang về hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2020.

Các tuyến cao tốc sẽ góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới, khí thế phát triển mới cho các vùng, các địa phương, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, phát triển dịch vụ, đặc biệt là du lịch…

Đặc biệt, phát triển hạ tầng giao thông còn giúp giảm chi phí logistics (chi phí logistics ở Việt Nam đang là khoảng 17% trong khi đó các nước trong khu vực chỉ là 12-13%, làm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của chúng ta thiếu tính cạnh tranh).