JPMorgan khuyến nghị nhà đầu tư nên tích trữ vàng, tiền mặt thay vì cổ phiếu

Theo JPMorgan, tới đây vàng sẽ là loại tài sản duy nhất được coi như “hầm trú ẩn an toàn” giúp vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang đối mặt với nhiều rủi ro mới, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan Chase, ông Marko Kolanovic và nhóm đầu tư của mình đang bán dần cổ phiếu, thay vào đó tăng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt lên 2% và đầu tư tích trữ vàng.

Cơ sở của khuyến nghị này đến từ rủi ro về trần nợ công tại Mỹ, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu và lập trường “diều hầu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo Bloomberg, một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia tài chính do Marko Kolanovic - Giám đốc mảng chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan Chase - đứng đầu đã đưa quan điểm nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu để rót vốn vào vàng và tiền mặt vì các tài sản này sẽ ổn định trong thời gian tới.

Nhóm nghiên cứu đã trích dẫn cho nhà đầu tư thấy vàng là tài sản trú ẩn an toàn như một hàng rào chống lại kịch bản vỡ nợ của Mỹ. Kolanovic cũng cho biết thêm về lâu dài, Fed vẫn sẽ giữ lãi suất cao, trái với kỳ vọng cắt giảm của thị trường. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên thị trường chứng khoán.

“Trong năm nay, các loại tài sản sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tín dụng và hàng hoá đều đang được giao dịch ở mức thấp, mặc dù có sự phục hồi nhẹ ở tuần trước. Đặc biệt đối với cổ phiếu, nhóm chúng tôi đã lỗ liên tục trong 4 tháng trở lại đây”, ông Kolanovic chia sẻ.

Vị giám đốc của JPMorgan cũng đồng thời đưa ra dự đoán Fed sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất cao trong một khoảng thời gian dài, đi ngược với kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp và gây áp lực trực tiếp lên thị trường chứng khoán.

“Nếu Fed cắt giảm lãi suất thì đây sẽ là tin tốt đối với các nhà đầu tư trong năm nay. Tuy nhiên, có vẻ như Fed vẫn đang muốn giữ vững lập trường diều hâu (chính sách tăng lãi suất để chống lạm phát) và thị trường chứng khoán sẽ còn phải chịu nhiều rủi ro hơn dự kiến”, ông Kolanovic bày tỏ lo ngại trước thực trạng lãi suất liên tục neo cao.

Cuối năm ngoái, bản thân ông Kolanovic từng cho rằng cổ phiếu sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại sau khi nền kinh tế ấm dần lên. Thế nhưng ngay sau đó, ông và nhóm đầu tư của mình đã phải nghiên cứu cắt giảm cổ phần cũng như phân bổ lại tài sản, chạy theo thực trạng của thị trường.

Hiện tại, nền kinh tế của nước Mỹ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có khi các khoản nợ đối với Trung Quốc và Nhật Bản đang tăng cao, trong khi các cuộc đàm phán về trần nợ công của Mỹ lại không mấy tiến triển.

Và cũng chỉ còn vài ngày nữa là hạn chót quốc hội Mỹ phải nâng trần nợ công nếu không muốn vỡ nợ kỹ thuật.

Đến nay, chưa có tín hiệu nào cho thấy trần nợ công của Mỹ sẽ sớm được nâng. Nếu không có tiền chi trả cho các trái chủ và chi phí dịch vụ công vào ngày 1/6 tới thì nguy cơ vỡ nợ và chính phủ Mỹ tạm đóng cửa là rất cao.

Theo dữ liệu liên bang, tính đến ngày 19/5, Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn khoảng hơn 60 tỷ USD tiền mặt, từ mức 238 tỷ USD hồi đầu tháng, sau khi thu thuế của tháng 4.