Hơn 1.500 lượt khách thăm trụ sở UBND TP HCM, sẽ có đề xuất mở thêm tour
Ảnh minh hoạ

Tại cuộc họp báo chiều 4/5, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, qua 2 ngày tổ chức (29, 30/4), Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP HCM, đã có khoảng 1.500 khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan.

Theo ông Hòa, hiện, các tour tham quan công trình kiến trúc cổ của thành phố không thiếu nhưng doanh nghiệp du lịch chỉ đang khai thác đi bộ, tham quan công trình kiến trúc dọc trên các tuyến đường, ngắm nhìn bên ngoài nhưng chưa được vào bên trong công trình. Tham quan Trụ sở HĐND và UBND là tour đầu tiên cho phép du khách vào trụ sở chính quyền đang hoạt động. “Sau khi tổ chức, phía Sở Du lịch đang họp đánh giá lại toàn bộ tour. Qua đó, chúng tôi xem xét, đề xuất tiếp tục mở tour theo hình thức khác nhau để du khách được tham quan”, ông nói.

Ngoài tour tham quan trụ sở HĐND và UBND vừa qua, Sở Du lịch phối hợp cùng các đơn vị du lịch, lồng ghép cho du khách tham quan các công trình kiến trúc cổ khác như Nhà hát thành phố... Tương lai, ngành du lịch cùng các Sở, ngành liên quan, tính toán tổ chức tour, giới thiệu thêm các công trình tại địa phương. Điều quan trọng là có bộ thuyết minh diễn giải cho du khách trong quá trình tham quan các tour dạng này, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch.

Chủ tịch TP.HCM, ông Phan Văn Mãi trò chuyện với du khách tham quan. (Ảnh: Sở Du lịch TP HCM)
Chủ tịch TP HCM, ông Phan Văn Mãi trò chuyện với du khách tham quan. (Ảnh: Sở Du lịch TP HCM)

Trụ sở HĐND và UBND TP HCM là công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc nghệ thuật vào đầu thế kỷ XX.

Cuối năm 2020, trụ sở được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Khu vực được công nhận là khối nhà chính trên đường Lê Thánh Tôn - được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, trừ khối nhà mới xây dựng trên nền chung cư 213 Đồng Khởi cũ. Thời Pháp thuộc, trụ sở có tên Hôtel de ville (còn gọi Dinh Xã Tây).

Thiết kế mặt ngoài công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục Hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau...