HDBank được chấp thuận nâng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng
Khi hoàn tất phương án phát hành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dành khoảng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác. |
Trước đó vào ngày 18/7, HĐQT HDBank (HoSE: HDB) đã phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ năm 2022 theo phương án được ĐHCĐ thông qua. Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.030 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ phân phối 25%, dự kiến hoàn thành trong quý III.
Sau khi hoàn tất phương án phát hành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dành khoảng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Đến nay, theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), HDBank vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2022 của HDB cũng đã thông qua phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm kể từ ngày phát hành.
Phía ngân hàng cho biết tại ĐHĐCĐ năm 2021, cổ đông đã thông qua phương án phát hành 40 triệu cổ phiếu ESOP, tuy nhiên trong năm 2021, ngân hàng mới chỉ hoàn tất phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình này.
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 440.439 tỷ đồng, tương đương tăng 18% so với năm trước. Tổng huy động và dự nợ tăng lần lượt 17% và 20%, đạt 392.683 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, HDBank báo lãi trước thuế đạt 5.304 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện 55% kế hoạch năm.
Tính đến hết 30/6, tổng tài sản đạt 384.266 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 17% lên hơn 237.688 tỷ đồng. Tổng nợ xấu giảm gần 6% so với đầu năm xuống còn 3.166 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% hồi đầu năm xuống còn 1,33%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 73% lên 93%.
So với đầu năm, tiền gửi khách hàng tăng 16% lên hơn 212.520 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá ở mức 39.104 tỷ đồng, giảm 8,5%.
Báo cáo cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo năm 2022, lợi nhuận trước thuế HDBank có thể đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Tăng trưởng tín dụng dự phóng 24% gồm khoảng 8.000 tỷ đồng từ hạn mức năm 2021.
Ngoài HDB, hàng loạt ngân hàng khác cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ gồm: SeABank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 19.809 tỷ đồng; KienlongBank tăng vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng; Nam A Bank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.900 tỷ đồng.