`Hàng ngoại dồn ép, hàng Việt lao đao`: Giày Thượng Đình gồng mình gánh lỗ 4 năm liên tiếp
Tiền thân Giày Thượng Đình là xí nghiệp X30 thành lập tháng 1/1957, chịu sự quản lý của Cục quân nhu – Tổng cục hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam), chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội.
Những năm 1990 và đầu những năm 2000, giày Thượng Đình không chỉ vang bóng trong nước mà còn bắt đầu có những lô hàng xuất khẩu sang nước ngoài, đầu tiên là thị trường châu Âu từng đạt kim ngạch 5,4 triệu USD vào năm 2006.
Cả về chất lượng, mẫu mã, giá cả, thương hiệu này vẫn chiếm ưu thế hơn hẳn so với các mặt hàng giày dép của Thái Lan hay nước láng giềng.
Giày Thượng Đình sở hữu "đất vàng" 227 Nguyễn Trãi. |
Năm 2015, Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình thực hiện IPO và chuyển đổi sang mô hình cổ phần sau 1 năm. Kể từ đó, thời hoàng kim của Giày Thượng Đình đã chấm dứt.
Ở giai đoạn này, gia nhập WTO đồng nghĩa với việc hàng ngoại nhập khẩu xuất hiện tràn lan trên thị trường. Mà nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ cần bền mà còn cần đẹp, thời trang thì giày Thượng Đình chưa đáp ứng được.
Kết thúc năm 2016, doanh thu của Giày Thượng Đình đạt 125,9 tỷ đồng, giảm tới 54% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 459,9 triệu đồng.
Những năm tiếp theo, Giày Thượng Đình liên tục báo lỗ 17,08 tỷ đồng trong năm 2017 và 17 tỷ năm 2018. Trong năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu gần như không đổi so với 2018, ở mức 175 tỷ đồng, và mức lãi chỉ là 50 triệu đồng.
Giày Thượng Đình liên tiếp thua lỗ trong nhiều năm gần đây. |
Năm 2020, doanh thu bán hàng sau kiểm toán của công ty đạt 104,3 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2019. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Giày Thượng Đình thua lỗ với số lỗ sau thuế là 13,73 tỷ đồng.
Tổng tài sản của công ty giảm 23% so với đầu năm chỉ còn gần 110 tỷ vào cuối năm 2020, chủ yếu giảm mạnh hàng tồn kho từ 47 tỷ còn 27 tỷ, và khoản phải thu khách hàng từ 26,78 tỷ còn gần 20 tỷ. Lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/12/2020 của Giày Thượng Đình lên tới 48,4 tỷ, chiếm một nửa vốn điều lệ (93 tỷ).
Có thể thấy rằng, khi mà tình hình cạnh tranh tại thị trường nội địa ngày càng gay gắt, đứng trước sức ép của hàng loạt thương hiệu nhập khẩu như Nike hay Adidas, Thượng Đình hoàn toàn lép vế vì không đáp ứng được nhu cầu về mẫu mã, khó lòng chinh phục các khách hàng trẻ trung.