Cụ thể, theo thống kê trên HNX cho biết trong giai đoạn 2018-2022, Vietracimex đã phát hành 14 lô trái phiếu, trong đó có 1 lô trái phiếu đã được tổng công ty này mua lại trước hạn, còn lại 13 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng dư nợ khoảng 2.343 tỷ đồng.

Liên quan tới 4 lô trái phiếu mã WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008 và WTOCH2126009, Vietracimex đã có công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán 1 ngày.

Theo đó, Vietracimex đã trả lãi trái phiếu mã WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008 và WTOCH2126009 vào ngày 29/3, chậm 1 ngày so với ngày thanh toán kế hoạch là 28/3. Công ty lý giải nguyên nhân do chưa thu xếp đủ nguồn vốn tại ngày thanh toán kế hoạch.

Tới ngày 15/5, Vietracimex tiếp tục công bố thông tin điều chỉnh lãi suất với một loạt lô trái phiếu và sửa đổi một số điều kiện điều khoản trái phiếu tương ứng liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất nêu trên.

Cụ thể, lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo của các lô trái phiếu này sẽ bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân (trả lãi sau) kỳ hạn 24 tháng bằng VND của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Chi nhánh Hoàn Kiếm cộng biên độ 1,65-1,85%. Mức lãi suất mới này sẽ được áp dụng đến hết ngày 30/9. Trước đó, lãi suất của các lô trái phiếu này được tính bằng lãi suất tham chiếu tại MB cộng biên độ 3,3%.

Vietracimex cho biết các nội dung này đã được hội nghị người sở hữu trái phiếu thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản với tỷ lệ tán thành đạt 100%.

Cũng trong năm 2022, 2 đơn vị thành viên của Vietracimex là Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Thắng và Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 1 từng mua lại 833 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Hiện dư nợ trái phiếu của Vietracimex và các công ty thành viên vào khoảng hơn 6.960 tỷ đồng, giảm 48% so với khối lượng phát hành là 13.464 tỷ đồng.

Vietracimex điều chỉnh lãi suất hàng loạt lô trái phiếu
Vietracimex điều chỉnh lãi suất hàng loạt lô trái phiếu. Ảnh minh họa

Về tình hình tài chính, kết thúc năm 2022, Vietracimex báo lãi sau thuế hơn 453 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả doanh nghiệp khoảng 20.335 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kì. Nợ vay tài chính Vietracimex ghi nhận hơn 5.381 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 26% tổng nợ phải trả.

Tại thời điểm cuối năm 2022, nợ ngắn hạn tại Vietracimex là 15.518 tỷ đồng vượt tài sản ngắn hạn 11.036 tỷ đồng. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) của Vietracimex là 0,71 cho thấy khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, tiềm ẩn rủi ro trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.

Tính tới ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của tổng công ty này đạt hơn 14.437 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu năm. Nợ phải trả và dư nợ trái phiếu lần lượt ở mức 35.659 tỷ đồng7.074 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của Vietracimex vào khoảng 50.096 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm tới hơn 71%.

Vietracimex tiền thân là Nhà máy vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục cung cấp vật tư, Bộ Giao thông vận tải. Tổng công ty này cũng được biết đến với vai trò là chủ đầu tư của dự án Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Đến năm 2014, công ty tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ đăng ký hơn 5.510 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2021, Vietracimex có vốn điều lệ hơn 12.510 tỷ đồng, trong đó ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT - góp 12.509 tỷ đồng, sở hữu 99,99% vốn điều lệ; ông Vũ Đức Toàn góp 595 triệu đồng; bà Vũ Thị Mai Loan góp 60 triệu đồng.

Hiện nay, Vietracimex hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất truyền tải và phân phối điện, xây dựng các công trình giao thông...