HAGL Agrico lỗ ròng hơn 181 tỷ đồng quý III/2021

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu 380 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn đã khiến công ty tiếp tục lỗ gộp 14 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, HAGL Agrico lỗ ròng hơn 181 tỷ đồng quý III/2021 nhưng con số đã không còn 'khủng hoảng' so với số lỗ lên đến 353 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

HAGL Agrico: Báo cáo tài chính quý III/2021 lỗ nặng nhưng tổng nợ phải trả giảm đáng kể

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tiếp tục giảm 49% về còn 892 tỷ đồng. Lỗ ròng 303 tỷ đồng, xấp xỉ mức lỗ 339 tỷ của cùng kỳ. Mức lỗ này nâng lỗ luỹ kế lên 2.609 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 1.021 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của HNG giảm mạnh 7.840 tỷ xuống còn 16.829 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn khi giảm nhẹ xuống 1.830 tỷ; các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng vẫn duy trì mức cao 3.230 tỷ đồng...

Về nợ phải trả, HNG vay nợ tài chính hơn 8.000 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 3.300 tỷ so đầu kỳ.

Đáng nói, kỳ này HNG ghi nhận lỗ từ chênh lệch tỷ giá hối đoái lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần đầu kỳ.

HAGL Agrico: Báo cáo tài chính quý III/2021 lỗ nặng nhưng tổng nợ phải trả giảm đáng kể
Theo HNG, do ảnh hưởng của dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, trong quý III/2021, sản lượng trái cây thu hoạt của HNG đạt 29.094 tấn; trong đó, sản lượng chuối đạt 26.733 tấn, dứa đạt 352 tấn, mủ cao su đạt 1.734. Doanh thu thuần HNG giảm 37% xuống chỉ còn 379,9 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn (394 tỷ đồng), HAGL Agrico lỗ gộp 14,07 tỷ đồng.

Kỳ này, doanh thu tài chính Công ty tăng 276% lên 21 tỷ đồng. Trong khi chi phí tài chính giảm 27% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 70% thì chi phí bán hàng lại tăng 23%. Kết quả, HAGL Agrico lỗ sau thuế 181,34 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 350,57 tỷ đồng).

Theo HNG, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng 40%, bao bì đóng gói và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng 15% so với hồi đầu năm.

Cùng với đó, dịch bệnh cũng khiến chi phí nhân công tăng do nguồn lao động địa phương bị hạn chế bởi quy định về giãn cách nên tỷ lệ hủy tại vườn và xưởng đóng gói trong quý III/2021 là 24%.

Tại thời điểm cuối tháng 9, HNG phải thực hiện thanh lý hàng tồn kho trái cây chế biến như xoài, mít sấy dẻo đã sản xuất từ năm 2019 là 26 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí khấu hao vườn cây cao su lớn do diện tích tính khấu hao vườn trong báo cáo tài chính là 17.506 ha, trong đó diện tích vườn cây cao su chưa đủ điều kiện kỹ thuật khai thác là 10.175 ha, còn lại 7.331 ha đủ điều kiện.

Mặt khác, giá bán chuối giảm 14% so với đầu năm.

HAGL Agrico: Báo cáo tài chính quý III/2021 lỗ nặng nhưng tổng nợ phải trả giảm đáng kể
Tính chung 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của Công ty giảm 49% về mức 892,2 tỷ đồng và lỗ sau thuế 303,6 tỷ đồng nâng lỗ lũy kế lên gần 2.610 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Tính đến cuối năm, tổng tài sản doanh nghiệp giảm 32% từ 24.669,9 tỷ đồng xuống 16.828,9 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dở dang giảm 44% về mức 4.560 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 18% còn 1.830,3 tỷ đồng; ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 57% lên 41.853,2 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của HNG cũng giảm 36% còn 10.184,7 tỷ đồng; riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 4.503,3 tỷ đồng và 3.687,6 tỷ đồng.

Kế hoạch quý 4/2021, HNG dự kiến sản lượng trái cây thu hoạch là 27.876 tấn, trong đó chuối 24.168 tấn; khai thác mủ cao su dự kiến 3.653 tấn mủ. Doanh thu thuần ước đạt 318 tỷ đồng, giảm so với quý III/2021 vì công ty triển khai bán hàng trực tiếp tại nhà máy đóng gói.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường đầu năm nay, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đồng thời là Chủ tịch HAGL Agrico khẳng định sẽ không để cổ phiếu HNG bị huỷ niêm yết do thua lỗ liên tục.

Có thể thấy rõ, sự nỗ lực của chủ tịch Thaco sau khi đưa tổng nợ phải trả của HAGL Agrico về mức thấp nhất có thể.

Theo đó, tổng nợ phải trả của HAGL Agrico đã giảm đáng kể từ 15.990 tỷ đồng vào đầu năm xuống còn 10.185 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Dư nợ vay ngắn hạn giảm 38% xuống còn 4.503 tỷ đồng trong khi dư nợ vay dài hạn giảm gần 500 tỷ đồng xuống mức 3.688 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu HNG tăng 1,9% lên 7.630 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt hơn 6,6 triệu đơn vị.

HAGL Agrico: Báo cáo tài chính quý III/2021 lỗ nặng nhưng tổng nợ phải trả giảm đáng kể

Thaco tiếp quản HAGL Agrico

Thaco chính thức hơp tác với HAGL Agrico kể từ năm 2018. Thời điểm đó, HAGL Agrico đã bị mất thanh khoản nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.

Trong tình hình khó khăn về tài chính, Thaco rót 3.890 tỷ đồng (tương đương sở hữu 35% cổ phần của HNG) vào HAGL Agrico.

Năm 2020, Thaco tiếp tục hỗ trợ cho HAGL Agrico vay tổng số tiền 6.274 tỷ đồng (không có tài sản bảo đảm, lãi suất bằng các ngân hàng thương mại) để HAGL tiếp tục đầu tư vực dậy HAGL Agrico.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất và kinh doanh tại Campuchia nhiều vườn cây bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhận định tình hình nhanh chóng ban lãnh đạo HAGL Agrico và HAGL đã nhiều lần họp với Thaco để tìm giải pháp giải quyết các khó khăn với phương án đề ra là Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico), công ty thành viên của Thaco, mua tiếp 4 công ty sở hữu các phần đất tại Campuchia và tại Đắk Lắk, Gia Lai với diện tích đất 20.744 ha và giá tiền là 9.095 tỷ.

Đồng thời, bán lại toàn bộ cổ phần cho HAGL Agrico và đơn vị này còn nợ lại Thaco số tiền hơn 2.600 tỷ đồng (không trả lãi và hoàn trả từng phần trong 3 năm) và sở hữu phần đất còn lại tổng diện tích 35.749 ha (Bắc Campuchia 8.373 ha và tại Lào là 27.376 ha).

Phương án này chia sẻ hoạt động sản xuất nông nghiệp giữa Thagrico và HAGL Agrico về diện tích cũng như địa bàn, đồng thời giải quyết được khó khăn cấp bách là cứu lấy vườn chuối.

Đồng thời cũng đã giúp HAGL Agrico năm 2020 ghi nhận lợi nhuận 931 tỷ đồng và bù với khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh ước khoảng 910 tỷ đồng để công ty có lãi 21 tỷ đồng, tránh bị hủy niêm yết.

Đến 31/12/2020, nợ tăng lên 2.448 tỷ đồng, tổng nợ là 15.990 tỷ đồng, lỗ lũy kế 2.306 tỷ đồng, vốn điều lệ công ty là 11.085 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía HAGL và HAGL Agrico không thỏa thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ để lấy giấy tờ đất của 4 công ty trên đang là tài sản thế chấp nợ của hai đơn vị để giao cho Thaco.

Đầu năm 2021, Đại hội cổ đông bất thường của HAGL Agrico đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 7.414 tỉ đồng, thông qua phát hành thêm 741.446.105 cổ phiếu cho Thagrico (Công ty nông nghiệp của Thaco) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đợt phát hành này, cơ cấu các nhóm cổ đông: Thaco Group và gia đình ông Trần Bá Dương là: 63,08%; HAGL Group là: 26,82%; các cổ đông khác là 10,1%.

Trước đó, Hội đồng quản trị HAGL Agrico đã quyết định chuyển nhượng 4 công ty với tổng diện tích 20.744ha (gồm Công ty An Đông Mia, Công ty Hoàng Anh Quang Minh sở hữu 17.305ha tại Campuchia và Công ty Hoàng Anh Đắk Lắk, Công ty Bò sữa Tây Nguyên sở hữu 3.439ha tại Việt Nam) cho Thagrico với giá 9.095 tỉ đồng và số tiền thu về được là 6.500 tỉ đồng.

Tính từ đầu năm 2021, sau khi về tay Thaco phần nào HAGL Agrico 'nhẹ gánh nợ', khả năng vực dậy là hoàn toàn khả quan.