Tạm dừng quyết định điều chỉnh người sử dụng đất và báo cáo Thủ tướng

Theo quyết định này, lý do tạm dừng là Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang rà soát, báo cáo theo kiến nghị của Thanh tra TP tại văn bản 3271 ngày 24/8/2022 về việc kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT.

Trước đó, ngày 25/11/2020, cựu Phó Chủ tịch TP Hà Nội ông Nguyễn Quốc Hùng đã kí công văn số 5269/QĐ-UBND nội dung điều chỉnh lại tên người sử dụng đất tại các khu đô thị Thanh Hà A,B và Mỹ Hưng cho một chủ đầu tư khác. Vụ việc này ở thời điểm đó được dư luận quan tâm.

Sau đó chủ đầu tư dự án là Công ty CP Địa ốc Cienco5 đã có đơn kêu cứu khẩn cấp và khiếu nại về Quyết định 5269 gửi các cơ quan chức năng ở cả Trung ương và địa phương.

UBND Thành phố Hà Nội sau đó đã quyết định lập đoàn thanh tra để kiểm tra và rà soát tổng thể Dự án. Trong kết luận mới đây của Thanh tra Thành phố đã kiến nghị UBND Thành phố, các sở Giao thông Vận tải, sở Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến các cơ quan Trung ương, Tổng cục An ninh, Bộ Công an về một số nội dung liên quan đến Dự án BT đường trục phía Nam. Đồng thời, Thanh tra Thành phố cũng kiến nghị sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND Thành phố tạm dừng quyết định 5269/QĐ-UBND.

Ngày 25/11/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký Quyết định 5269 điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3128 ngày 30/7/2008 của UBND TP. tỉnh Hà Tây cũ.

Theo quyết định này, UBND TP Hà Nội điều chỉnh tên chủ sử dụng đất ghi trong Quyết định 3128 về việc thu hồi hơn 182 ha đất tại các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai. đất phi nông nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng – Cienco 5 từ Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 sang Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP.

Tại quyết định 5269, UBND TP nêu rõ lý do điều chỉnh là căn cứ theo quyết định 963 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc cho phép đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5 tại huyện Thanh Oai.

Quyết định 24 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP. Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP có trách nhiệm kế thừa toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5, đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5 theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Cùng với đó, lý do điều chỉnh còn dựa trên đề nghị của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) tại các văn bản số 948/ANĐT-P5 ngày 6/8/2018, 147/ANĐT-P4 ngày 21/1/2020; đề nghị của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP tại văn bản số 05 ngày 24/3/2020 và văn bản số 395 ngày 4/3/2020 của Tổng cục quản lý đất đai.

Hà Nội tạm dừng điều chỉnh người sử dụng đất khu đô thị mới Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng
Phối cảnh khu đô thị Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai được quảng cáo trên internet.

Tại Báo cáo số 3127 về việc kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT, Thanh tra TP Hà Nội làm rõ việc tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 5269 điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại quyết định 3128 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây).

Theo Thanh tra Hà Nội, theo quy định tại Khoản 1, Điều 55 Luật Đầu tư năm 2005 và điểm b, Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 02 ngày 5/1/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế Khu đô thị mới, thì việc UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) ban hành quyết định giao đất cho Công ty CP phát triển địa ốc Cienco5 (doanh nghiệp dự án) để thực hiện các dự án hoàn vốn là không đúng.

Do Khu đô thị Thanh Hà A, B, Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 đã thực hiện công tác GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình nhà thấp tầng, cao tầng theo các quyết định số 3129, 3130 ngày 30/7/2008; đối với Khu đô thị Mỹ Hưng chưa triển khai đầu tư, do đó UBND TP có quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất…

Tuy nhiên, theo Thanh tra TP Hà Nội, trước khi trình UBND TP quyết định trên, liên ngành TP Hà Nội chưa làm rõ việc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (nhà đầu tư), thời điểm thực hiện cổ phần hóa (năm 2014), Tổng Công ty có xác định giá trị đầu tư của đơn vị tại dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B, Khu đô thị Mỹ Hưng vào giá trị doanh nghiệp hay không.

Đồng thời, nghĩa vụ tài chính của Tổng Công ty với Nhà nước khi đầu tư xây dựng Khu đô thị Mỹ Hưng và với số tiền Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 đã nộp 510 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất của 3 dự án đối ứng (trong đó có Khu đô thị Mỹ Hưng) với giá trị Hợp đồng BT và nộp 50 tỷ đồng tiền ký quỹ, cần phải được kiểm tra, rà soát lại.

Từ những tồn tại, vướng mắc này, Thanh tra TP kiến nghị UBND TP giao Sở GTVT chủ trì cùng Sở KH-ĐT, Sở TN&MT, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP tham mưu UBND TP làm việc với Bộ GTVT liên quan đến việc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 khi tiến hành cổ phần hóa (năm 2014) có quyền và nghĩa vụ đối với dự án đường trục phía Nam và dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B và Khu đô thị Mỹ Hưng không; Có xác định giá trị đầu tư của Tổng Công ty tại các dự án trên vào giá trị doanh nghiệp hay không.

Trên cơ sở kết quả làm việc với Bộ GTVT, đề xuất UBND TP phương án xử lý tồn tại, vướng mắc đối với dự án đường trục phía Nam và các dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B, Khu đô thị Mỹ Hưng , báo cáo Thành ủy, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Thanh tra TP cũng kiến nghị trong thời gian chờ ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Công an; ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ, giao Sở TN&MT tham mưu UBND TP ra văn bản tạm dừng thực hiện quyết định 3128, 3129, 3130 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) và quyết định 5269 ngày 25/11/2020 của UBND TP Hà Nội.

Khu đô thị nghìn tỷ chậm tiến độ sau khi Hà Nội sáp nhập

Dự án khu đô thị Mỹ Hưng có địa điểm xây dựng tại các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, Thanh Oai (Hà Nội). Đây là dự án hoàn vốn dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây.

Dự án được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) cho phép đầu tư xây dựng tại Quyết định số 963 năm 2008, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, thu hồi 1.820.433 m2 đất, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp. Tỉnh giao Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 để thực hiện dự án năm 2008. Dự án có tổng diện tích đất theo quy hoạch là 182 ha, quy mô dân số là 25.000 người.

Sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập với Thành phố Hà Nội, dự án phải tạm dừng triển khai để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259 năm 2011 và quy hoạch phân khu đô thị S4 tỷ lệ 1/5.000 được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 4324 năm 2013.

UBND đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện công tác lập và tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 tại Thông báo số 554 làm cơ sở để thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai thực hiện dự án.

Hà Nội tạm dừng điều chỉnh người sử dụng đất khu đô thị mới Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng
Khu đô thị Mỹ Hưng sau nhiều năm không triển khai vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ảnh: Tiền Phong

Báo cáo của UBND TP cho thấy, dự án đến cuối năm 2011 chưa tiến hành GPMB và đầu tư xây dựng. Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã báo cáo về việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5 tại Văn bản số 4331 và được UBND TP chấp thuận giao Sở này hướng dẫn Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 triển khai thực hiện.

Sau khi quy hoạch được điều chỉnh, UBND TP cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo và thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các nội dung quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 70 Luật Đầu tư, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổ chức triển khai đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo lãnh đạo UBND TP, quỹ đất dự án khu đô thị Mỹ Hưng (182ha) đã được phê duyệt là quỹ đất đối ứng cho dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức BT.

Dự án đường được khởi công từ ngày 26/4/2008, tuy nhiên tiến độ triển khai dự án rất chậm. Tại thông báo số 166 năm 2013, UBND TP đã chỉ đạo dừng triển khai dự án. Sang năm 2014, UBND TP đã có thông báo số 152 về việc xử lý tồn tại, vướng mắc trong triển khai dự án, trong đó đồng ý gia hạn và điều chỉnh hợp đồng BT theo điểm dừng kỹ thuật của dự án, chấp thuận mở rộng quy mô đoạn tuyến.

"Lùm xùm" của chủ đầu tư

Đáng chú ý, theo UBND TP, trong quá trình triển khai dự án, có xảy ra tranh chấp nội bộ giữa nhà đầu tư (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5) và doanh nghiệp dự án (Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5).

Đồng thời, dự án phải giải quyết các tồn tại về thực hiện nghĩa vụ tài chính theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, UBND TP yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải giải quyết dứt điểm tranh chấp nội bộ, nộp ngay 920 tỷ đồng chi phí lãi vay theo kết luận thanh tra, chứng minh năng lực tài chính và bố trí kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng.

Đến nay theo lãnh đạo TP, việc giải quyết tranh chấp nội bộ giữa hai bên chưa được giải quyết, chưa thỏa thuận thống nhất được phương án xử lý đối với khoản lãi vay 920 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đôn đốc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tại văn bản ngày 26/7/2021. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của các đơn vị.

"Sau khi nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục nêu trên, UBND TP sẽ xem xét, chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án theo quy định", lãnh đạo UBND TP khẳng định.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 25/11/2020, UBND TP đã có Quyết định số 5269 điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định 3128 ngày 30/7/2008 (Điều chỉnh tên người sử dụng đất).

Tuy nhiên, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 có khiếu nại về quyết định nêu trên của TP. Hiện UBND TP đã giao Thanh tra TP kiểm tra rà soát tổng thể dự án, kết luận việc tham mưu, trình UBND TP ban hành Quyết định 5269, đề xuất báo cáo UBND TP.

Sau khi có báo cáo kết luận của Thanh tra Thành phố, UBND TP cho biết sẽ xem xét, chỉ đạo việc thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hưng.

Hà Nội tạm dừng điều chỉnh người sử dụng đất khu đô thị mới Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng
Chủ đầu tư xây dựng Công viên nước Thanh Hà là Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 khi xây dựng vướng nhiều sai phạm.

Đáng chú ý, Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5, đây cũng là chủ đầu tư xây dựng Công viên nước Thanh Hà vướng lùm xùm với hàng loạt sai phạm trong năm 2020.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội chủ đầu tư xây dựng công viên nước Thanh Hà là Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 đã xây dựng công viên nước không có giấy phép xây dựng, vi phạm luật Xây dựng năm 2014.

Công viên nước Thanh Hà được xây dựng trên đất không quy hoạch công viên nước (quy hoạch phê duyệt là đất công cộng thành phố và đất cây xanh thể dục thể thao thành phố, khu ở), sử dụng đất không đúng mục đích vi phạm luật Xây dựng 2014, luật Đất đai 2013.

Cũng theo kết luận thanh tra, sau khi cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình vi phạm, chủ đầu tư vẫn thi công, hoàn thiện Công viên nước Thanh Hà.

Đến khi UBND quận Hà Đông ra quyết định cưỡng chế yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không phép trong vòng 15 ngày, nhưng sau thời hạn 15 ngày, chủ đầu tư không chấp hành tháo dỡ là vi phạm khoản 2 điều 88 luật Xử lý vi phạm hành chính.

“Trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm nêu trên thuộc về Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 - người đại diện theo pháp luật, ông Lê Thanh Song, Phó chủ tịch HĐQT (người trực tiếp ký các hợp đồng thi công), và các cán bộ có liên quan khác” – kết luận thanh tra nêu.