Báo Sức khoẻ và Đời sống đưa tin, theo kế hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, từ ngày 8/2/2022, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 thuộc các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN - GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng, học viện có liên kết dạy văn hóa kết hợp dạy nghề trên địa bàn thành phố sẽ trở lại trường học trực tiếp.

Nhằm thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh, các trường học trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cùng với các địa phương, ngành GD&ĐT Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực đưa học sinh trở lại trường học an toàn, duy trì bền vững việc dạy học trực tiếp, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022. Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện cần thiết, bảo đảm an toàn cho học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng phương án chi tiết, phù hợp và có kịch bản xử lý tình huống nếu có F0, F1 tại lớp học

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hầu hết các đơn vị đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường tổ chức vệ sinh, phun khử khuẩn; rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc tổ chức dạy học trực tiếp. Các trường THCS cũng đã sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, bảo đảm việc tổ chức dạy học song song theo hai hình thức: Dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 6 và dạy học trực tiếp đối với học sinh từ lớp 7 trở lên.

Để chuẩn bị tốt nhất cho học sinh trở lại trường học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, kế hoạch tổ chức dạy học từ ngày 8/2/2022 đối với học sinh từng khối lớp đã được thông báo cụ thể. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng phương án chi tiết, phù hợp và có kịch bản xử lý tình huống nếu có F0, F1 tại lớp học, trường học để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh.

“Việc dạy học trực tiếp chỉ tổ chức ở địa bàn phường, xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Nếu học sinh cư trú ở địa bàn phường, xã có mức độ dịch cấp độ 3, cấp độ 4 thì ở nhà học trực tuyến. Yêu cầu chung đối với các nhà trường là chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày và không tổ chức ăn bán trú, căng tin trong trường”, ông Trần Thế Cương lưu ý.

Mới đây, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể: Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến tận địa bàn cấp xã) để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy học trực tiếp.

Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức dạy, học trực tiếp; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, quy định về "Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19" tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế khẩn trương triển khai các hoạt động tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, hiệu trưởng và giáo viên về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho học sinh, cha mẹ học sinh tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Giáo dục và ngành Y tế.

Sở Y tế các địa phương chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục đều có đầu mối cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục và cùng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học.

Theo Báo Công an Nhân dân, trước đó, trả lời tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/1 về lộ trình đưa học sinh trở lại trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo với các địa phương, mời chuyên gia cho ý kiến, thống nhất việc mở cửa trường học trở lại là yêu cầu cấp thiết ở thời điểm hiện tại. Theo kinh nghiệm của thế giới, họ đã đưa ra 8 khuyến nghị khi mở cửa trở lại, trong đó trường học là một trong những cơ sở đầu tiên phải đóng cửa do dịch bệnh nhưng cũng là một trong những cơ sở đầu tiên cần thiết phải mở cửa...

Bộ đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, xem xét điều kiện, mở cửa trường học trở lại vào ngày 14/2/2022. Hoàn trả các cơ sở vật chất đã trưng dụng chống dịch, đưa sinh viên trở lại trường. Đến nay, khối THPT 63/63 tỉnh, thành đã có kế hoạch về việc mở cửa trở lại; khối đại học, cao đẳng hơn 91% tỉnh, thành phố có kế hoạch mở cửa trở lại, từ ngày 7/2/2022. Khối THCS 57% tỉnh, thành phố; khối tiểu học 53/63 tỉnh, thành phố. Riêng khối mầm non 51/63 tỉnh thành phố có kế hoạch.