Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, lượng người lao động thất nghiệp tăng cao. Tại các thành phố trọng điểm kinh tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương,... người lao động do không đảm bảo được cuộc sống nên đã phải khăn gói lên đường về quê.

Kết quả cuộc khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ ngày 7- 15/9, cả nước có 1,3 triệu người, trong đó 930.000 người từ 15 tuổi trở lên, rời các tỉnh, thành có dịch về quê. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, trong số 22.764 doanh nghiệp (DN) có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%.

Việc công nhân nghỉ việc, về quê với số lượng lớn khiến cho các doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động nặng nề. Bên cạnh đó, việc triển khai phòng chống dịch tại một số tỉnh thành chưa được đồng bộ, mật độ phủ vaccine phòng Covid-19 chưa cao khiến người lao động muốn quay lại làm việc còn khó khăn.

Trước tình hình đó, ông Tô Hoài Nam cho rằng nên cho phép tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm để các doanh nghiệp có thể phục hồi và cân bằng lại kinh tế cả nước. Ngoài ra, theo ông Nam, việc người về quê là do khó khăn về kinh tế, việc tăng giờ làm thêm sẽ có thêm nguồn thu nhập cho người lao động. Tiền làm thêm có thể bù đắp được phần nào thời gian nghỉ việc trong khoảng thời gian nghỉ dịch vừa qua.

Hiện nay, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 107 BLLĐ 2019.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giờ làm thêm cần được nghiên cứu kỹ và nên có giới hạn nhất định về giờ làm thêm trong tháng để bảo đảm sức khoẻ của NLĐ. Qua đó, tránh trường hợp, DN huy động NLĐ làm việc liên tục trong thời gian dài để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong năm là một giải pháp tạm thời, trong thời gian ngắn. Do đó, Công đoàn Việt Nam đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện trong thời hạn, từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.