Nhiều khả năng xăng sẽ tiếp tục tăng giá vào ngày 1/3

Dữ liệu từ cập nhật ngày 24/2 của Bộ Công thương cho biết, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tiếp tục tăng cao hơn so với kỳ trước. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 110,53 USD/thùng, chu kỳ trước là 108,8 USD/thùng. Còn giá xăng RON 95 là 113,36 USD/thùng, kỳ trước là 111,32 USD/thùng.

Bên cạnh đó, giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 24/2 cũng tăng cao so với kỳ tính giá trước đó.

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng vọt trong phiên giáo dịch 11h ngày 28/2 (giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 96,88 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 102,31 USD/thùng.

Trong kỳ điều hành, có thời điểm giá dầu Brent đã có lúc vọt lên mức 105,79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014, còn dầu WTI có thời điểm lên mức 100,54 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014 khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

E5 RON 92 có giá bán tối đa là 25.530 đồng/lít; RON 95 là 26.280 đồng/lít; dầu diesel 20.800 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít; dầu mazut 17.930 đồng/kg.
Hiện tại, E5 RON 92 có giá bán tối đa là 25.530 đồng/lít; RON 95 là 26.280 đồng/lít; dầu diesel 20.800 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít; dầu mazut 17.930 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên chiều 28/2, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu phía Nam dự đoán giá xăng dầu sẽ tăng từ 300 - 400 đồng/lít tùy loại. Cụ thể, trong kỳ điều hành ngày 1/3, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu và giữ nguyên các loại thuế phí như hiện nay, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng thêm 300 đồng/lít, còn giá xăng RON 95 có thể tăng 400 đồng/lít. Giá bán các loại dầu cũng có thể được điều chỉnh tăng từ 150 – 200 đồng/lít.

Tại phiên điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/2, xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng/lít và có giá bán tối đa là 25.530 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự ở mức 960 đồng/lít đạt ngưỡng RON 95 là 26.280 đồng/lít. Các loại dầu lần lượt tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít còn dầu mazut tăng 280 đồng/kg.

Trước đó và ngày 25/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, qua đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu "Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên, các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/1 thùng). Hiện nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản "lường trước tình huống xấu hơn" để có giải pháp ứng phó phù hợp".

Về một số giải pháp điều hành giá trong thời gian tới, trước tiên Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không thể để thiếu.

Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu xăng dầu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước.

Cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn dư gần 900 tỷ đồng

Báo cáo mới công bố của Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đến hết ngày 31/12/2021 là 898,582 tỷ đồng; tổng số trích Quỹ BOG trong Quý IV năm 2021, từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 739,685 tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý IV năm 2021 từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 666,816 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong Quý IV năm 2021 1,764 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong Quý IV năm 202 là 138 triệu đồng.

Trước đó, con số thống kê số dư Quỹ BOG đến hết Quý III năm 2021 đến hết ngày 30/9/2021 là 824,088 tỷ đồng; số dư Quỹ BOG đến hết Quý II năm 2021 ngày 30/6/2021 là 1.122,920 tỷ đồng; số dư Quỹ BOG đến hết Quý I năm 2021 ngày 31/3/2021 là 5.340,068 tỷ đồng; Số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2020 là 9.234,614 tỷ đồng.

Thời gian qua, Quỹ BOG là công cụ chủ yếu để nhà điều hành quản lý giá xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới liên tục tăng cao.