Theo dữ liệu chính thức công bố vào Chủ nhật, lượng vàng do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nắm giữ đã tăng lên 72.74 triệu ounce vào tháng trước.

Giá vàng đã liên tiếp lập kỷ lục trong tháng qua do kỳ vọng rằng Fed sắp cắt giảm lãi suất. Việc mua vàng của ngân hàng trung ương cũng là động lực đáng kể thúc đẩy giá vàng kể từ năm 2022.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ dự kiến được công bố vào thứ Tư (10/4 theo giờ địa phương). Số liệu này có thể giúp sáng tỏ hơn quan điểm của các nhà hoạch định chính sách trong việc giảm chi phí đi vay.

Tại Việt Nam, vào lúc 10 giờ 20 phút sáng 8/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 79,70 - 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương toàn cầu dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục bổ sung dự trữ vàng của họ trong tháng 2, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 9 liên tiếp.

Tài sản dự trữ chính thức của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2015. Dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng lên 3.2457 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3, cao nhất kể từ tháng 12/2021 khi ngân hàng trung ương đặt mục tiêu duy trì lượng nắm giữ ổn định để phòng ngừa rủi ro. Lượng dự trữ ngoại hối tăng 0.6% so với tháng 2 và tăng 1.9% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vàng 'nóng' từng ngày vì sao các quốc gia trên toàn cầu tăng bổ sung dự trữ vàng?

Đồng nhân dân tệ giảm 0,47% so với đồng USD trong tháng 3, trong khi đồng bạc xanh tăng 0,31% vào tháng trước so với các loại tiền tệ chính khác.

Vào năm ngoái, trong khi nhiều nhà đầu tư phương Tây đã lựa chọn bán tháo vàng để chuyển đổi sang nắm giữ các loại tài sản khác có mức sinh lời cao hơn nhờ lãi suất ở mức cao, thì nhu cầu vàng toàn cầu vẫn được củng cố bởi làn song trữ vàng của các ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc.

Thêm vào đó, tài sản phổ biến nhất ở Trung Quốc là bất động sản, chứng khoán và vàng. Nhưng sự suy thoái nghiêm trọng của thị trường bất động sản và sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Người dân Trung Quốc hường có nhu cầu tích trữ tài sản cao, cũng đã tăng mua các sản phẩm từ vàng, bao gồm cả vàng thỏi, vàng miếng, đồ trang sức bằng vàng,… nhằm bảo vệ tài sản của họ trước những rủi ro có thể phát sinh do tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và lĩnh vực bất động sản trong nước suy yếu.

Theo Bloomberg, vào tháng 1/2024, WGC cho biết, các ngân hàng Trung ương đã tăng dự trữ vàng chính thức toàn cầu thêm 39 tấn. Con số này cao hơn gấp đôi số lượng mua ròng trong tháng 12/2023 là 17 tấn và đây cũng là tháng mua ròng thứ 8 liên tiếp của các ngân hàng Trung ương trên thế giới.

WGC cũng chỉ ra lý do các ngân hàng Trung ương tiếp tục bổ sung vàng vào dự trữ. Các ngân hàng đã thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản. Ngoài ra, năm 2024, thế giới dường như vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế - chính trị, trong bối cảnh này, sở hữu vàng vẫn phù hợp hơn bao giờ hết.

Vàng được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ hỗn loạn và là hàng rào chống lại sự mất giá của tiền tệ. Do đó, các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine, cùng với lạm phát tăng vọt hậu Covid, đã giúp đẩy giá vàng tăng lên gần đây.