Trong 15 ngày đầu tháng 3/2021, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên tăng mạnh lên gần 80.000 đồng/kg, cao hơn 60% so với một tháng trước. Nếu so với cùng thời điểm này năm trước, giá hồ tiêu đã tăng 200%, tức gấp 2 lần. Giá tiêu tăng mạnh từng ngày, người trồng tiêu hưởng lợi nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu như đang ngồi trên lửa nếu đã ký hợp đồng trước đó, hoặc lo mất khách hàng vì giá quá cao.

Ông Phan Minh Thông - tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, cho biết giá tiêu tăng nhanh từ cuối tháng 2/2021 đến nay phần lớn do hiện tượng đầu cơ của thương lái và đại lý.

Giá tiêu xuất khẩu nửa đầu tháng 3/2021 tăng mạnh

Trong vòng mấy tuần gần đây, giới đầu cơ gom hàng rồi đẩy giá lên, người mua không chịu được giá cao nên đầu cơ tiếp tục trữ lại hàng. Dù giá tiêu trên thị trường xuất khẩu cũng đang tăng lên nhưng không theo kịp giá tiêu trong nước.

Nguyên nhân giá tiêu tăng “nóng” ngoài các yếu tố khách quan còn do các nhà đầu cơ nội địa chi phối. Vụ thu hoạch tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30-40%, gần hết tháng 4/2021 cơ bản mới thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều, các đơn vị xuất khẩu đến kỳ giao hàng không có tiêu để giao bắt buộc đẩy mạnh mua vào dẫn đến việc tăng giá.

Tuy nhiên, một số khách hàng thấy giá tiêu hôm nay tại Việt Nam tăng cao đã ngừng giao dịch. "Giá tiêu hiện nay tôi có cảm giác tăng bất thường, như cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu còn có biên độ 5-10%, nhưng giá tiêu thì tăng nhanh khó dự đoán.

Hiện nhiều doanh nghiệp gần như "đóng băng", không giao dịch. Bản thân Phúc Sinh hiện nay cũng chủ yếu xuất cà phê. Bởi nếu bây giờ giao dịch, ôm hàng vào thì rủi ro cũng như đánh bạc vậy", ông Thông cho biết.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, 95% hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu. Do đó, nếu các thương lái và đại lý đẩy giá rồi găm hàng, doanh nghiệp không thể mua để xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu nước ngoài không mua vì giá quá cao, xuất khẩu bị đình trệ và ngành hàng này sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu tiêu trong 15 ngày đầu tháng 3/2021 đạt 13.928 tấn, với giá trị kim ngạch 40,06 triệu USD, giảm 16,0% về lượng nhưng lại tăng 13,76% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,5 triệu USD, giảm 25,3% về lượng và giảm 6,5% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu trong tháng 2 ước đạt mức 2.933 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 1 và tăng 31,4% so với tháng 2.2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá tiêu xuất khẩu nửa đầu tháng 3/2021 tăng mạnh

Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong đầu năm là Hoa Kỳ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Hà Lan. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất là Hà Lan (gấp 2,86 lần).

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lượng tiêu tồn kho của Việt Nam từ vụ trước chuyển qua không còn nhiều, và sản lượng hạt tiêu năm 2021 dự kiến thấp hơn năm 2020. Tại Việt Nam, hầu hết các vùng trồng hạt tiêu lớn đều giảm diện tích do giá thấp. Năm 2020, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 59% thị phần xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu với 285.292 tấn. Brazil đạt 89.756 tấn, chiếm 18% thị phần; Indonesia chiếm 11% thị phần với sản lượng xuất khẩu đạt 51.718 tấn; Ấn Độ chiếm 12% thị phần, đạt 15.924 tấn.