Thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường để ổn định giá gạo trong nước đã khiến giá gạo Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung liên tục tăng.

Thông tin của Bộ Công thương cho thấy, giá lúa gạo ngày 27/7, tại thị trường trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng 50 - 100 đồng/kg. Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu tăng 5 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 548 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 528 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.

Trước đó, một thương nhân xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho biết các loại gạo trắng thông dụng (OM18, IR50401) vừa tăng thêm 500 đồng/kg gạo nguyên liệu sau khi Ấn Độ chính thức có lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo. Đồng thời, giá gạo nguyên liệu trong nước đã tăng 1.000 đồng/kg. Quy ra giá xuất khẩu, gạo 5% tấn đã tăng khoảng 50 USD/tấn, tương đương khoảng 580 – 590 USD/tấn.

Gạo Việt Nam tăng giá sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, một nước láng giềng lo lắng

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, kéo theo đó là giá lúa trong nước cũng tăng theo. Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúa hạt dài được thu mua tại ruộng từ 6.650 - 6.750 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so với tuần trước), lúa thường từ 6.800 - 6.850 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg).

Ở Thái Lan, giá gạo cũng được điều chỉnh tăng mạnh 11 – 15 USD/tấn. Cụ thể, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm - tiêu chuẩn của châu Á - tăng vọt lên 572 USD/tấn, mức đắt nhất kể từ tháng 4/2020, Con số này tăng 7% so với hai tuần trước.

Ngoài ra, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường của Ấn Độ đã khiến người Ấn Độ và các cộng đồng các nước châu Á khác tại Mỹ xếp hàng dài để mua dự trữ. Báo chí Mỹ đưa tin, các túi gạo các loại đã "bay" khỏi các kệ hàng khi các cộng đồng người châu Á mà gạo là lương thực thiết yếu xếp hàng để mua do lo ngại.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc ngừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ có khả năng làm trầm trọng thêm sự biến động của giá lương thực thế giới. IMF dự báo giá ngũ cốc toàn cầu sẽ tăng 10-15% do việc tạm ngừng Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được ban hành. Lo ngại tăng lạm phát, IMF kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương (DGFT) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ ra quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á).

Động thái được đưa ra sau khi vụ mùa thất bát vì mưa gió kéo dài khiến giá gạo trong nước tăng cao, gây nguy cơ mất an ninh lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới.