Giá cà phê ngày 5/1

Sáng nay, tại các vùng trồng trọng điểm giảm nhẹ so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Hiện cà phê đang gia dịch trong khoảng 40.500 - 41.400 đồng/kg.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.500 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.400 đồng/kg.

Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.300 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.300 đồng/kg (Chư Prông).

Ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.200 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.200 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 5/1: Mặt hàng hồ tiêu đi ngang, cà phê giảm nhẹ

Theo các chuyên gia nhận định, hiện nay cà phê Việt Nam đang rẻ nhất thế giới, thay vì Brazil trước đây do cơ chế trừ lùi. Giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn. Lịch sử ngành cà phê Việt Nam chưa bao giờ phải trừ lùi nhiều như thế. Trong khi đó, giá cà phê của Brazil là giá cộng.

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2020 - 2021 đạt 2,8 tỷ USD, tương đương so với niên vụ 2019 - 2020 mặc dù lượng giảm khoảng 10% xuống 1,5 triệu tấn. Trong 10 năm tới (2030), mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với hiện tại, với phương châm "Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng".

Có thể thấy chiến lược ngành cà phê trong thời gian tới là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân như hiện nay bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, cơn ác mộng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.

Trong niên vụ 2020 - 2021, Việt Nam xuất khẩu được 121 nghìn tấn, kim ngạch 433 triệu USD cà phê chế biến sâu. Như vậy, mặc dù lượng chỉ chiếm 8% nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến chiếm 15% tổng kim ngạch của mặt hàng này.

Giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD/tấn trong khi giá cà phê nhân trên sàn khoảng 2.400 USD. Đó là chưa kể, cà phê Việt Nam phải chịu cảnh trừ lùi. Có thời điểm, cà phê nhân Việt Nam bị trừ lùi mức cao kỷ lục lên tới 500 USD/tấn.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 21 USD/tấn ở mức 2.467 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 21 USD/tấn ở mức 2.349 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 tăng 8,45 cent/lb, ở mức 231,75 cent/lb, giao tháng 5/2022 tăng 8,5 cent/lb, ở mức 231,8 cent/lb.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 cũng dự kiến giảm 3,8 triệu bao so với niên vụ trước, xuống còn 117,2 triệu bao, do khối lượng xuất khẩu của Brazil giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng.

Trong Báo cáo, USDA ước tính, sản lượng của Brazil sẽ giảm 13,6 triệu bao xuống 56,3 triệu trong niên vụ 2021-2022. Hạt arabica, chiếm 70% sản lượng cà phê của Brazil, được dự báo sẽ giảm 14,7 triệu bao xuống 35 triệu bao. Theo nhận định của các nhà phân tích tại Tridge, cây cà phê arabica tại Brazil bước vào chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần và ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bất lợi. Có khả năng phải mất vài mùa vụ để sản xuất cà phê của Brazil trở lại bình thường vì có thể mất tới 5 năm để cây cà phê trưởng thành.

Bên cạnh sự sụt giảm sản lượng, các nhà xuất khẩu Brazil cũng gặp nhiều trở ngại trong việc thuê tàu chở hàng và container, trong khi các chuyến hàng thường xuyên bị hoãn và hủy từ các công ty vận chuyển.

Các nhà phân tích cho biết: “Khả năng điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn trong năm tới là không thể phủ nhận. Brazil đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại trong năm 2022 do mưa lớn, hạn hán và băng giá. Cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức các biện pháp phòng ngừa rủi ro của người nông dân trở nên không hiệu quả”

Với nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê của Brazil dự kiến sẽ giảm 11,7 triệu bao từ mức kỷ lục của niên vụ trước xuống còn 30 triệu bao và dự trữ cuối kỳ được dự báo sẽ giảm 500.000 bao còn 2,9 triệu bao.

Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo tăng 1,5 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng chủ yếu tại EU, Mỹ và Brazil. Tiêu thụ cà phê của Brazil dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 23,7 triệu bao. Tiêu thụ tăng trong khi sản lượng sụt giảm, tồn kho cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến sẽ giảm 6,3 triệu bao xuống 30 triệu bao, mức thấp nhất trong 5 niên vụ vừa qua.

Giá hồ tiêu ngày 5/1

Giá hồ tiêu ghi nhận đi ngang tại các địa phương so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Hiện tại, các địa phương đang giao dịch trong khoảng 79.500 - 82.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức mức 79.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, Đắk Lắk giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức mức 81.500 đồng/kg.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất ở mức 82.500 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 5/1: Mặt hàng hồ tiêu đi ngang, cà phê giảm nhẹ

Theo ghi nhận thực tế, hiện lượng giao dịch khá chậm. Nhu cầu được đẩy lên khi các công ty tăng cường nhập hàng, tuy vậy lượng tiền về chậm khiến đại lý lẫn nông dân chần chừ bán ra. Đây là thời điểm sát Tết Nguyên đán 2022 nên nhu cầu chi tiêu cuối năm tăng cao.

Các chuyên gia nhận định, quý IV/2021, thị trường hồ tiêu Việt Nam điều chỉnh giảm một phần do nhu cầu mua hàng giảm sút từ thị trường Trung Quốc. Dự kiến thời gian tới, nhu cầu mua từ thị trường này sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc hồi phục của giá tiêu trong nước nhanh hay chóng.

Để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hơn 1 năm qua các công ty Việt Nam đã tận dụng tốt Hiệp định EVFTA với châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực này.

Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA có hiệu lực là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).

Ưu đãi từ Hiệp định đang được tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU trong 11 tháng 2021 đạt khoảng 40 nghìn tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng mạnh 63,9% và trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Các chủng loại hạt tiêu xuất khẩu chủ yếu sang EU là: mã HS. 09041120 - Hạt tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền (đạt 92 triệu USD, tăng mạnh 62,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 55,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU) và mã HS. 09041110 - Hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền (đạt 40 triệu USD, tăng 58,8%, chiếm 24,1%). EU chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2021.

Trong số các thị trường thành viên EU, hạt tiêu Việt Nam được xuất chủ yếu sang Đức (đạt 49 triệu USD) và Hà Lan (đạt 39 triệu USD). Trong thời gian tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hồ tiêu, khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.