Giá cà phê ngày 23/8

Giá cà phê hôm nay 23/8 trong khoảng 48.400 - 48.900 đồng/kg. Một cuộc đình công tại cảng container lớn nhất nước Anh đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa. Điều này giúp giá Robusta tiếp tục neo ở mức cao.

Theo khảo sát, giá cà phê hôm nay tăng 300 đồng/kg so với hôm qua. Sau biến động, thị trường trong nước đang ghi nhận khoảng giá 48.400 - 48.900 đồng/kg.

Hiện tại, Lâm Đồng đang là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất với 48.400 đồng/kg. Cùng giao dịch với chung mức 48.800 đồng/kg là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông. Tương tự, giá thu mua tại tỉnh Đắk Lắk cũng được điều chỉnh lên mức 48.900 đồng/kg, giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 23/8: Arabica tăng mạnh, hồ tiêu kỳ vọng vào cuối năm
Giá cà phê hôm nay 23/8 trong khoảng 48.400 - 48.900 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục đi lên. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2022 được ghi nhận tại mức 2.237 USD/tấn sau khi tăng 0,49% (tương đương 11 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 9/2022 tại New York đạt mức 224,30 US cent/pound, tăng 3,87% (tương đương 8,35 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h10 (giờ Việt Nam).

Số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6 đạt 11,1 triệu bao (loại 60kg/bao), tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 9 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022 (từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022), xuất khẩu đạt 98,8 triệu bao, tăng nhẹ 0,5% so với mức 98,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020 - 2021.

Riêng cà phê arabica chiếm hơn 62% tỷ trọng với 61,4 triệu bao, giảm 2,7%. Ngược lại, xuất khẩu cà phê robusta tăng 6,2% lên 37,4 triệu bao. Nam Mỹ tiếp tục là khu vực xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong 9 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022 với 42,3 triệu bao, giảm 8,5%. Trong giai đoạn này, các lô hàng xuất khẩu của Brazil giảm 14,2%, xuống chỉ còn 29,5 triệu bao.

Brazil đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn do “trái vụ” cà phê arabica, trong khi xuất khẩu liên tục phải đối mặt với tình trạng thiếu container cũng như cước phí tăng cao. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Brazil đang cho thấy sự phục hồi trở lại do các vấn đề về container và vận chuyển tiếp tục được cải thiện. Trong tháng 5 và tháng 6, xuất khẩu cà phê arabica Brazil lần lượt tăng 6,2% và 2,3% sau 10 tháng tăng trưởng âm liên tiếp.

Giá hồ tiêu ngày 23/8

Giá tiêu hôm nay 23/8 tại thị trường trong nước không có biến động. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 69.000 – 72.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 23/8 tại các vùng trồng trọng điểm duy trì ổn định so với hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg. Tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg.

Trong 8 tháng qua, giá hồ tiêu từ mức trên dưới 80.000 đồng/kg vào thời điểm đầu năm và tăng lên 86.500 đồng/kg vào giữa tháng 3. Tuy nhiên giá liên tục giảm ở các tháng tiếp theo và hiện tại giá chỉ còn trên dưới 70.000 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 23/8: Arabica tăng mạnh, hồ tiêu kỳ vọng vào cuối năm
Giá tiêu trong nước ngày 23/8 dao động quanh mốc 69.000 – 72.000 đồng/kg.

Việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn zero Covid khiến cho nhu cầu của quốc gia này chưa đạt mức như kỳ vọng. Mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc từ tháng 6 đã tăng trở lại, tuy nhiên sang tháng 7 lại trùng xuống vì bùng phát dịch Covid-19, và đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Theo dự đoán, giá tiêu khó có thể tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 64,48% trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 74,65% trong 5 tháng đầu năm 2022. Ngược lại, Hoa Kỳ giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Ấn Độ với mức giảm 9,5% về lượng, nhưng tăng 16,3% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2021, đạt 2,8 nghìn tấn, trị giá 14 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2022. Thị phần hạt tiêu của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 8,68% trong 5 tháng đầu năm 2021 xuống 7,59% trong 5 tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, trên thực tế tiêu Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng cao giữa các nước sản xuất như Brazil, Indonesia, Cambodia do chất lượng hồ tiêu các nước này đang vươn lên mạnh mẽ, ngoài chất lượng khi xuất khẩu giá cước tàu xuất khẩu của các nước này cũng cạnh tranh hơn so với Việt Nam.

Ngoài thị trường lớn là Mỹ, hạt tiêu Việt đang kỳ vọng vào sức mua của thị trường Trung Quốc từ nay tới cuối năm để có thể bứt phá cả về lượng và giá xuất khẩu. Ngành hạt tiêu Trung Quốc có 2 đặc điểm chính, thứ nhất là sản xuất tiêu của nước này tập trung ở đảo Hải Nam, với sản lượng chiếm hơn 90% tổng sản lượng của cả nước. Thứ hai, ở góc độ toàn cầu, không giống như các nước khác trên thế giới chủ yếu sản xuất tiêu đen, Trung Quốc chủ yếu sản xuất tiêu trắng, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của thế giới. Hải Nam cũng là vùng sản xuất tiêu trắng chính của thế giới.

Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu tiêu lớn từ một số nguồn cung như Việt Nam, Indonesia và Brazil.