Giá cà phê ngày 2/11

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.200 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 42.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 42.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 42.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 42.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.900 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.900 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng 500 - 600 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Giá cà phê ngày 2/11 tăng nhẹ.
Giá cà phê ngày 2/11 tăng nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 38 USD/tấn ở mức 2.314 USD/tấn, giao tháng 1/2022 tăng 55 USD/tấn ở mức 2.269 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 4,75 cent/lb ở mức 208,7 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 4,8 cent/lb ở mức 211,45 cent/lb.
Trong phiên đầu tuần này, giá cà phê thế giới đồng loạt tăng mạnh. Đà tăng của cà phê đang được hỗ trợ bởi thông tin nguồn cung tiếp tục sụt giảm.
Ở Colombia, Hiệp hội cà phê nước này dự báo sản lượng vụ năm nay giảm từ 14 triệu bao xuống 13 - 13,3 triệu bao, làm dấy lên lo ngại thương nhân không giao hàng theo hợp đồng. Thông tin trên ngay lập tức đẩy giá giao ngay tháng 11/2021 tăng cao, nới rộng tình trạng "vắt giá", thể hiện thị trường thiếu hàng trong cục bộ.
Trong khi đó, vùng cà phê Tây Nguyên của Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch mới. Tuy nhiên dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến thiếu hụt nhân công thu hái. Người trồng cà phê kỳ vọng chính quyền các địa phương sớm có biện pháp hỗ trợ để thu hoạch vụ mùa mới diễn ra suôn sẻ. Dẫu vậy, sớm nhất cũng phải 2 - 3 tuần nữa lô hàng đầu tiên mới ra được cảng.
Thời tiết mưa trong suốt tuần cuối tháng 10 tại các tỉnh Tây Nguyên nhưng không gây ảnh hưởng tới cây cà phê. Dự kiến giá Robusta trong vụ này cao hơn nhiều so với vụ trước do chi phí sản xuất và giá cước tăng.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay dự kiến giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước xuống 1,27 triệu tấn. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Indonesia, khi sản lượng sụt giảm nông dân găm hàng chưa chịu bán ra.

Giá tiêu ngày 2/11

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 86.500 – 90.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 86.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (87.500 đ/kg); Bình Phước (88.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 90.000 đ/kg.

Theo các chuyên gia, ngành hồ tiêu vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Điển hình như, giá cước tàu vận chuyển đi các nước Trung Đông, châu Âu, Mỹ… tăng gấp 6-10 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu đầu vào tái sản xuất như phân bón, giá xăng vẫn đang tăng cao làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và thu mua.

Những yếu tố trên dẫn đến việc tuy giá tiêu tăng cao trở lại nhưng người dân còn rất dè chừng trước việc chăm sóc và phát triển diện tích cây tiêu. Mặt khác, thời điểm giá tăng cao, người dân cũng không có tiêu bán vì không đúng vụ chính. Những người có bán cũng đã tích trữ nhiều năm nên chất lượng tiêu không được đánh giá cao.

Thị trường hồ tiêu hôm nay đi ngang.
Thị trường hồ tiêu hôm nay đi ngang.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hồ tiêu thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới và xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam cũng sẽ khả quan hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt đầu thu mua trở lại để chuẩn bị nguồn hàng cho xuất khẩu.

Trong khi đó, giá hồ tiêu nội địa cũng tăng mạnh do dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, lượng hàng trong dân gần như đã hết, nếu đà tăng giá tiếp tục diễn ra, khi đạt mốc 90.000 - 95.000 đồng/kg, có thể lượng hàng tồn từ 2-3 năm trước sẽ được tung ra thị trường.

Tại hội nghị giao thương trực tuyến “Cà phê và hạt tiêu Việt Nam năm 2021” diễn ra mới đây, các đại biểu nhận định, Australia không phải là thị trường sản xuất hạt tiêu. Hằng năm, Australia nhập khẩu lượng lớn hạt tiêu với mức tăng trưởng khoảng 2,5%/năm.

Australia nhập khẩu hạt tiêu từ nhiều nước trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Italy, Indonesia…. Hiện nay, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất sang Australia với tỷ trọng chiếm từ 50-60%. Đáng chú ý, hạt tiêu Việt Nam có vị thế ngày càng lớn tại thị trường này.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang Australia đạt 2,63 ngàn tấn, tăng 30,47% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam sang Australia cũng tăng trưởng rất mạnh.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Tổng lãnh sự, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia dự báo, từ nay đến cuối năm, nhà nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam sang thị trường này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Đặc biệt, trong xu thế hiện nay, xu hướng nhập khẩu nông sản cũng như hàng hóa từ Việt Nam sang Australia tiếp tục tăng cao. Mức độ tin tưởng và uy tín của hàng Việt Nam tại Australia ngày càng được nâng lên, đây là thời cơ rất lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, hạt tiêu sang thị trường này.

Trong một xu hướng khác, rất nhiều doanh nghiệp chế biến của Australia đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư về chế biến nông sản tại Việt Nam. Xu thế này giúp doanh nghiệp 2 nước có thể khai thác lợi thế để sản xuất, xuất khẩu sang Australia hoặc sang nước thứ 3.