Giá cà phê ngày 18/8

Giá cà phê trong nước hôm nay 18/8 giảm nhẹ gần 1.000 đồng/kg. Hiện giá dao động trong khoảng 48.000 - 48.500 đồng/kg.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá thu mua cà phê ở tỉnh Lâm Đồng ở mức 48.000 đồng/kg; tỉnh Đắk Lắk cà phê được thu mua với giá 48.500 đồng/kg; giá cà phê tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức là 48.400 đồng/kg. Ở Kon Tum, cà phê được thu mua với mức 48.500 đồng/kg.

Mức giá giảm nhẹ so với hôm qua (17/8) từ 500 - 1.000 đồng/kg.

Đối với thị trường cà phê thế giới, giá cà phê Robusta trên sàn London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 32 USD, xuống 2.224 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 37 USD, còn 2.228 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 6,15 cent, xuống 219,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 5,25 cent, còn 216,30 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.

Theo chuyên gia, việc giảm giá là do sàn Robusta nằm quá sâu trong vùng dư mua, các quỹ đầu cơ phải bán ra để cân đối vốn. Trong khi đó, trên sàn Arabica, áp lực tâm lý về một mùa bội thu đang đến từ Brazil cộng với khả năng băng giá gây hại cho cây cà phê đang giảm dần. Lượng mưa tại khu vực trồng cà phê trọng điểm của Brazil tăng bất ngờ trong tuần trước.

dao động trong khoảng 48.000 - 48.500 đồng/kg.
Giá cà phê 18/8 dao động trong khoảng 48.000 - 48.500 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn cà phê, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 20,7% về số lượng, tăng 48,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê của Việt Nam. Nếu năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 12 của Việt Nam thì năm 2019 đã vươn lên xếp thứ 10; năm 2020 xếp thứ 9 và năm 2021 xếp thứ 8.

Trong khi các thị trường khác chủ yếu nhập khẩu cà phê nhân, thô thì Trung Quốc lại có xu hướng nhập khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến sâu. Do đó, doanh nghiệp Việt có thể tập trung vào phân khúc này để nâng cao giá trị gia tăng.

Để chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, các chuyên gia khuyên nghị, doanh nghiệp Việt nên chú trọng phân loại cà phê theo các cấp độ giúp giảm tải các chi phí vận chuyển và tăng giá trị lợi nhuận, khẳng định được thương hiệu. Bên cạnh đó, phải xây dựng mạng lưới phân phối từ đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa hay bán hàng bằng hình thức livestream.

Giá hồ tiêu ngày 18/8

Giá hồ tiêu hôm nay duy trì ổn định quanh mức 69.500 – 72.500 đồng/kg. Dự báo giá tiêu sẽ sớm phục hồi nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc.

Giá hồ tiêu hôm nay chững lại tại các vùng trồng trọng điểm. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 721.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 69.500 đồng/kg.

Giá hồ tiêu hôm nay đi ngang so với thời điểm hôm qua. Cà phê hạ nhiệt giảm bớt áp lực lên hồ tiêu. Đại lý không chịu áp lực bán mạnh, thương lái cũng không ép giá nhiều như trước. Chuyên gia đánh giá, đây đang là giai đoạn khó khăn của thị trường hồ tiêu nội địa, khi phải chịu tác động kép, từ việc xuất khẩu giảm sút đến dòng vốn luân chuyển qua cà phê.

Nhìn về mặt tích cực, thị trường điều chỉnh nhẹ, các bước giá giảm rất ngắn. Đã không có những đợt giảm sâu như các năm trước. Một phần tâm lý nông dân năm nay giữ hàng mạnh, ổn định hơn, không dễ bị "dẫn dắt"; một phần sản lượng hồ tiêu trong nước và toàn cầu đang có xu hướng giảm, kỳ vọng nhu cầu đợt cuối năm và thị trường Trung Quốc giúp thị trường khó có thể giảm sâu.

Giá tiêu hôm nay duy trì ổn định tại thị trường trong nước.
Giá tiêu hôm nay 18/8 duy trì ổn định tại thị trường trong nước.

Giá hạt tiêu thế giới tăng trở lại trong những ngày đầu tháng 8/2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của mặt hàng hạt tiêu được cho là không bền vững. Cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, tác động đến thị trường hạt tiêu toàn cầu.

Trong khi đó, những lo ngại về làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu cũng như chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hạt tiêu. Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

Tại khu vực châu Á, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,15 triệu USD, trong khi nguồn cung vụ mùa mới từ Brazil và Indonesia đang tiếp tục bổ sung vào thị trường.

Giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa tăng nhờ tín hiệu khả quan từ thị trường Trung Quốc, trong khi lượng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chậm. Dự báo giá hạt tiêu sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Thị trường Trung Quốc đã có những tiến triển tích cực khi các đợt phong tỏa của nước này đã được rút ngắn lại để ưu tiên cho sản xuất. Ngày 9/8/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng 500 – 1.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, lên mức 71.500 – 73.5000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022, nhưng thấp hơn so với mức 112.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.