Lạm phát toàn cầu đã tăng trong năm qua từ dưới 2% - 6%, cao nhất kể từ năm 2008. Lạm phát hiện nay đang vượt quá mục tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và các thị trường mới nổi. Theo ông Gerry Rice - Giám đốc truyền thông của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cuộc xung đột tại Ukraina được dự báo sẽ làm tăng hơn nữa rủi ro lạm phát trong năm nay.

"Xung đột Nga - Ukraina đã gây ra sự gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là đối với thực phẩm và năng lượng, dẫn tới tăng chi phí sinh hoạt. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ cao trong trung hạn, tôi cho rằng các ngân hàng trung ương có thể sẽ buộc phải phản ứng nhanh hơn dự đoán bằng cách tăng lãi suất. Sự gián đoạn trong các lĩnh vực đầu nguồn sẽ có tác động vượt ra ngoài các mối quan hệ đối tác thương mại song phương", ông Gerry Rice cho biết.

Tại nền kinh tế số một thế giới, lạm phát đã tăng lên 8,5% vào năm qua, mức cao nhất trong 41 năm gần đây. Giá cả tăng vọt được xác định do chuỗi cung ứng tắc nghẽn, nhu cầu tiêu dùng bùng nổ và thị trường lương thực, năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraina. Từ tháng 2 tới tháng 3, lạm phát ở Mỹ tăng 1,2%, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2005 tới nay. Trong đó giá xăng tăng là nguyên nhân chủ yếu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tại Anh đã tăng 1,1% so với tháng trước, vượt mức tăng 0,7% mà các chuyên gia kinh tế đã dự đoán. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tháng 3 đã tăng 7%, mức cao kỷ lục trong 30 năm qua và gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Boris Glass - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings - cho rằng tỉ lệ lạm phát của Anh có khả năng duy trì ở mức cao kỷ lục trong suốt năm 2022.

Lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vào tháng 3/2022 đạt 7,5%, vượt quá mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB).

Ngay cả ở Nhật Bản, quốc gia đã phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát rất thấp hoặc âm trong nhiều thập kỷ, đã có một dấu hiệu cho thấy giá cả đang nhích dần lên. Tuy nhiên, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là ngoại lệ khi giữ được lạm phát ở mức thấp.

"Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trên bờ vực của một kỷ nguyên lạm phát mới. Lãi vay cao hơn có thể kéo dài trong vài năm để hạn chế nguy cơ giá cả leo thang gây thiệt hại lâu dài cho các nền kinh tế", ông Agustoin Carstens - người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế nhận định.

Sau khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ và Châu Âu cố gắng trong hơn một thập kỷ để nâng lạm phát lên đạt mức mục tiêu và giữ ổn định thì nay họ phải vật lộn để chế ngự nó. Ảnh: AFP
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, 60% các quốc gia ở khu vực Mỹ - Âu và các nền kinh tế tiên tiến có tỉ lệ lạm phát hàng năm trên 5%. Ảnh: AFP

Giá tiêu dùng tăng mạnh trên diện rộng đang buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi kinh tế.

Tháng trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản lên 0,25 điểm phần trăm đầu tiên. Đồng thời, việc ngừng việc mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp cũng đánh dấu bước đầu cơ quan này quay trở lại các thông lệ bình thường. Nhiều chuyên gia dự đoán Fed sẽ bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán sớm nhất là vào tháng 5/2022 sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC).

Ngân hàng Trung ương Anh đang trên đà tăng lãi suất cơ bản lên 2% vào năm tới từ mức hiện tại là 0,75%. ECB tạm thời chưa ra quyết định về việc này trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Các Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu dự kiến sẽ nhóm họp vào hôm nay (14.4) để thảo luận về biện pháp ứng phó tình trạng lạm phát ở mức cao kỷ lục tại Eurozone và những bất ổn kinh tế liên quan cuộc khủng hoảng Ukraina.