GDP nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong quý II
Theo số liệu do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 29/8, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 3% trong quý II (tốc độ đã chuẩn hóa theo năm), cao hơn so với ước tính trước đó là 2,8%.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế - chi tiêu cá nhân - tăng 2,9%, cao hơn ước tính ban đầu là 2,3%.
Một thước đo quan trọng khác về hoạt động kinh tế - tổng thu nhập quốc nội (GDI) - tăng 1,3%, tương đương kết quả trong quý đầu năm.
Trong khi GDP đo lường chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ, GDI đo lường thu nhập mà người dân tạo ra và chi phí phát sinh từ việc sản xuất các hàng hóa và dịch vụ đó, Bloomberg giải thích.
Theo Bộ Lao động Mỹ, mặc dù giá tiêu dùng của nước này đã tăng trở lại vào tháng 7/2024, song vẫn phù hợp với xu hướng lạm phát đang dần chậm lại và không làm thay đổi kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,2% trong tháng 7, sau khi giảm 0,1% vào tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 7/2024, CPI đã tăng 2,9%, sau khi tăng 3,0% vào tháng 6.
Không tính các thành phần thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi đã tăng 0,2% trong tháng 7, sau khi tăng 0,1% vào tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 7, CPI lõi đã tăng 3,2%, mức tăng thấp nhất nhất kể từ tháng 4/2021, sau mức tăng 3,3% của tháng 6.
Theo nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach tại công ty môi giới tài chính LPL Financial, các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách đều nhận thấy báo cáo trên của Bộ Lao động là tín hiệu tốt cho thị trường và nền kinh tế, giúp Fed có thể cắt giảm lãi suất nhưng vẫn duy trì chính sách tiền tệ hạn chế nói chung.
Còn theo Viện Quản lý cung ứng (ISM), hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 7/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng do số lượng đơn đặt hàng mới giảm, cho thấy ngành sản xuất đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi phục hồi mạnh mẽ trong quý II.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất, chiếm 10,3% nền kinh tế Mỹ, đã giảm xuống mức 46,8 trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023, từ mức 48,5 của tháng 6. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo chỉ số PMI sản xuất sẽ tăng lên mức 48,8.
Trong khi đó, lĩnh dịch vụ của Mỹ đã phục hồi trong tháng 7/2024 nhờ vào số lượng đơn đặt hàng mới phục hồi và mức tăng việc làm đầu tiên trong sáu tháng, giúp xoa dịu những lo ngại về khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong tháng trước.
Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ đã tăng lên mức 51,4 trong tháng 7/2024, từ mức 48,8 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ, vốn chiếm hơn 66% nền kinh tế Mỹ.
Tăng trưởng việc làm hàng năm của Mỹ tính đến tháng 3/2024 không như kỳ vọng ban đầu. Ước tính về tổng số việc làm được tạo thêm trong giai đoạn từ tháng 4/2023-3/2024 đã được Bộ Lao động Mỹ điều chỉnh giảm 818.000 việc làm so với báo cáo ban đầu.
Việc điều chỉnh này đã khiến mức tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng trong giai đoạn này giảm xuống còn 174.000 việc làm/tháng, so với mức 242.000 việc làm được báo cáo trước đó.
Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực tư nhân cũng được điều chỉnh giảm 819.000 việc làm so với ước tính trước đó, trong khi tăng trưởng việc làm trong các cơ quan chính phủ về cơ bản không thay đổi.
Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, báo cáo sửa đổi của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lĩnh vực tư nhân và các cơ quan chính phủ nước này đã tuyển dụng khoảng 157,3 triệu lao động trong giai đoạn từ tháng 4/2023-3/2024, giảm so với mức 158,1 triệu việc làm được báo cáo trước đó.
Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 khi lạm phát giảm nhiệt. Điều này có thể giúp ích cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chi phí đi vay như nhà ở và sản xuất.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đón báo cáo PCEPI tháng 7, dự kiến sẽ công bố vào đầu ngày 30/8 (tức khoảng 19h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Theo dự đoán của các nhà kinh tế, PCEPI lõi có thể đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7.
Gần đây, các quan chức Fed cho biết họ đang tập trung nhiều hơn vào thị trường việc làm - một trong hai nhiệm vụ chính của ngân hàng trung ương Mỹ bên cạnh lạm phát - trong bối cảnh áp lực giá nhìn chung đã dịu bớt.
Tuần trước, phát biểu tại hội nghị Jackson Hole, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết “đã đến lúc” các quan chức nên điều chỉnh chính sách tiền tệ. Ông lưu ý Fed không “tìm kiếm hay hoan nghênh việc các điều kiện trên thị trường lao động tiếp tục yếu đi”.