Theo đó, các quan chức Fed đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,75% lên khoảng 3 – 3,25%.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, hai lần trước đó diễn ra vào các cuộc họp tháng 6 và tháng 7 năm nay. Theo CNBC, mức lãi suất hiện nay là cao nhất kể từ đầu năm 2008.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong một cuộc họp báo. Ảnh: AFP
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong một cuộc họp báo. Ảnh: AFP

Quyết định nâng lãi suất thêm 0,75% này đã được các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, chứng khoán dự báo từ lâu và do vậy không gây bất ngờ. Điều mà giới quan sát chú ý nhất là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp về định hướng chính sách trong tương lai.

Giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 8/2022 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,1% so với tháng trước đó.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ không biến động nhiều sau thông báo nâng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, sau cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc, kết phiên mất 522 điểm, tương đương 1,7%. S&P 500 và Nasdaq cũng giảm trên 1,7%.

Trong khi đó, chỉ số giá đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ chạm mức 111,63 sau khi FED tăng lãi suất. Giá đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm chạm mức 1 euro đổi được 0,9810 USD.

Ông Powell không giấu diếm gì, mà nói thẳng về “nỗi đau” sắp đến với nền kinh tế Mỹ. Ông dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên và chỉ rõ rằng thị trường bất động sản - một nguồn lạm phát dai dẳng ở Mỹ - có thể sẽ cần một đợt điều chỉnh. Trước đó, số liệu từ Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) cho thấy doanh số bán nhà hiện có ở nước này trong tháng 8 giảm tháng thứ 7 liên tiếp.

“Nước Mỹ đã có một thị trường bất động sản sốt nóng. Đó là một sự mất cân bằng lớn”, ông Powell nói trong cuộc họp báo sau khi các thành viên Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - nhất trí 100% với việc nâng lãi suất lên 3-3,25% từ mức 2,25-2,5% trước đó.

“Điều mà chúng ta cần là cung và cầu trong nền kinh tế cần cân xứng hơn. Có lẽ chúng ta cần thị trường bất động sản trải qua một cuộc điều chỉnh để đạt được mục tiêu đó”, ông Powell nói.

Ông Powell cùng với thống đốc các ngân hàng trung ương khác đang cùng phát đi thông điệp: Suy thoái kinh tế vẫn tốt hơn lạm phát cao do những hệ lụy sau đó.

Ông Powell thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát của FED có thể đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái và gây ra khó khăn nghiêm trọng cho hàng triệu người Mỹ. Trong khi FED hy vọng có thể tránh được một kịch bản như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều nếu Fed để lạm phát tiếp tục tăng và khiến nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu hơn.

Nhiều nhà kinh tế nhận định việc GDP của Mỹ giảm ít nhất là trong ngắn hạn vào nửa đầu năm 2023 sẽ là cần thiết để lạm phát quay đầu giảm.

Nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng ngay cả trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng, với thị trường lao động có thêm hơn 2 triệu việc làm kể từ đầu năm và chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn xu hướng trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8/2022 chỉ là 3,7% - gần với mức trước đại dịch - trong khi số lao động bị sa thải vẫn ở mức thấp trong lịch sử.