eSIM là gì? Vì sao các hãng điện thoại lựa chọn eSIM thay thế SIM truyền thống?
Phiên bản Pro của iPhone 14 chỉ dùng eSIM khiến rất nhiều người dùng tò mò về eSIM

eSIM là gì?

Khái niệm eSIM thường bị hiểu nhầm là electric SIM (SIM điện tử). Trên thực tế, chữ "e" ở trong eSIM là viết tắt của "embedded" (nhúng) và khái niệm đúng của eSIM là SIM được nhúng thẳng vào trong thiết bị với mã ICCID và khóa xác thực mạng độc nhất do nhà mạng cung cấp. Mặc dù sở hữu kích thước cực kỳ nhỏ bé, eSIM có thể đảm nhiệm tốt mọi chức năng của SIM thông thường.

Như vậy, eSim là tên viết tắt của Universal Integrated Circuit Card (eUICC)), là một dạng thẻ SIM được hàn trực tiếp trên bo mạch chủ của thiết bị và vẫn đảm bảo đầy đủ chức năng như loại thông thường.

eSIM không chứa khay riêng và người dùng hoàn toàn không thể tháo rời khỏi điện thoại. Về kích thước, eSIM có chiều dài, chiều rộng dưới 5mm, được hàn trực tiếp vào bảng mạch trên thiết bị khi sản xuất.

eSIM là gì? Vì sao các hãng điện thoại lựa chọn eSIM thay thế SIM truyền thống?
eSIM nhỏ gọn hơn các loại SIM khác.

Chức năng chính gồm M2M (Machine to Machine) và Remote Provisioning. eSIM đem đến cho người dùng nhiều trải nghiệm tích cực khi kích hoạt, quản lý trên điện thoại.

Vào năm 2017, chuẩn eSIM lần đầu tiên được Google giới thiệu chung với bộ đôi smartphone Google Pixel 2/Pixel 2 XL, sau đó được biết đến rộng rãi hơn khi Apple đã trang bị công nghệ này lên dàn thiết bị ra mắt trong năm 2018 - bao gồm iPhone Xs/Xs Max và iPhone Xr. Mới đây nhất, phiên bản Pro của iPhone 14 chỉ sử dụng eSIM tại một số thị trường cũng khiến đề tài này trở nên đáng quan tâm.

Bên cạnh smartphone, eSIM sau đó đã xuất hiện trên nhiều dòng thiết bị khác nhau, chủ yếu là các thiết bị IoT (Internet vạn vật) và smartwatch (đồng hồ thông minh). Đối với smartwatch, eSIM là một bước tiến lớn khi hầu hết những thiết bị này quá nhỏ để có thể "nhồi nhét" khe cắm SIM vật lý.

So sánh eSIM và SIM thường

eSIM là gì? Vì sao các hãng điện thoại lựa chọn eSIM thay thế SIM truyền thống?
Khe cắm SIM truyền thống trong smartphone

- eSIM nằm nhỏ gọn trong thiết bị điện tử

Bởi vì eSIM có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng gần 5x5mm nên sẽ không chiếm quá nhiều không gian của thiết bị khi so với chuẩn Nano SIM trước đây. Điều này đặc biệt có lợi khi áp dụng lên thiết bị đồng hồ thông minh, vốn đã có kích thước rất nhỏ gọn.

- Loại bỏ được khe cắm SIM

Việc loại bỏ được khay gắn SIM trên các thiết bị điện tử sẽ giảm thiểu các khoảng hở trong thiết bị, từ đó cũng giảm khả năng mà nước hay bụi bẩn có thể lọt vào trong điện thoại hay smartwatch. Nhờ vậy mà độ bền của sản phẩm cũng từ đó được cải thiện theo.

Ưu điểm và nhược điểm của eSIM

Ưu điểm

Ưu điểm lớn nhất của eSIM là sự tiện lợi. Nếu bạn muốn sử dụng nhiều số thuê bao trên điện thoại của mình, bạn có thể thay đổi chúng dễ dàng.

eSIM là gì? Vì sao các hãng điện thoại lựa chọn eSIM thay thế SIM truyền thống?
eSIM có nhiều ưu điểm và đã xuất hiện tại 100 quốc gia trên thế giới

Bên cạnh đó là những ưu điểm khác như:

- Không cần những cây chọc SIM dễ mất.

- Không phải lo lắng về chuẩn SIM nano hay micro mỗi lần đổi thiết bị.

- Sử dụng được cho tất cả các thiết bị và mạng di động, dễ dàng chuyển đổi nhà mạng khi cần.

- Thuận tiện trong việc hòa mạng tại địa phương khi đi nước ngoài.

- Nhỏ gọn, tiết kiệm không gian bên trong máy để bổ sung các tính năng khác hoặc tối ưu độ mỏng, tăng tính thẩm mỹ.

- Không thể tháo ra khỏi máy, sẽ hữu ích trong trường hợp mất máy, bạn có thể liên lạc với người đang giữ máy.

eSIM là gì? Vì sao các hãng điện thoại lựa chọn eSIM thay thế SIM truyền thống?
Không giống với SIM truyền thống, eSIM không thể tháo ra khỏi máy.

- Có thể tích hợp đến 5 số thuê bao vào cùng 1 eSIM (tất nhiên tại một thời điểm chỉ có thể sử dụng 1 số thuê bao, còn trên máy hiện bao nhiêu cột sóng cùng lúc còn tùy thuộc vào điện thoại, thường chỉ là 2 sóng thôi).

- Nhà mạng có thể dễ dàng nâng cấp SIM mà không cần người dùng phải đổi SIM như khi đổi từ SIM 3G sang 4G.

- Khả năng truyền nhận dữ liệu từ xa trong phạm vi tiêu chuẩn eSIM cung cấp cho chúng ta một trải nghiệm khách hàng tốt hơn khi kích hoạt và quản lý chúng trên điện thoại. Thông qua các thiết lập điện thoại, chúng ta có thể chọn nhà điều hành và những gì mà mình muốn. Mọi thứ là đơn giản và thoải mái hơn rất nhiều so với công nghệ SIM hiện tại.

Nhược điểm

Dù có nhiều tiện ích eSIM vẫn có những nhược điểm nhất định, ví như:

- Việc chuyển từ thẻ SIM người dùng có thể thay thế sang một thiết bị cố định bên trong thiết bị khiến một số người dùng lo lắng đến sự tự do của họ, eSIM trở thành một phần trong điện thoại không thể tùy chỉnh. Thay đổi SIM hiện giờ là một quá trình mà các công ty có toàn quyền kiểm soát chứ không phải là thứ gì đó mà người dùng có thể tự làm được.

- Khả năng bắt sóng của eSIM kém hơn so với SIM vật lý cũng là điều bị nhiều người dùng phàn nàn.

- Bên cạnh đó, có nhiều người chia sẻ câu chuyện khi họ đi đến các quốc gia khác để du lịch. Khi sử dụng thẻ SIM vật lý họ có thể tháo ra và mua thẻ SIM mới từ bất kỳ cửa hàng địa phương nào và sử dụng nó trong suốt thời gian lưu trú. Đối với eSIM nhiều người dùng vẫn chưa hiểu sự chuyển đổi này sẽ diễn ra như thế nào khi đi du lịch đến một nơi nào đó.

Liệu eSIM có phải là tương lai?

eSIM là gì? Vì sao các hãng điện thoại lựa chọn eSIM thay thế SIM truyền thống?
Nhiều chuyên gia dự đoán eSIM sẽ thay thế hoàn toàn SIM truyền thống trong tương lai.

Hầu hết các điện thoại thông minh hiện tại vẫn là sử dụng SIM vật lý và sẽ cần khoảng thời gian lâu nữa để mọi thứ có thể thay đổi toàn diện.

Khi Apple tuyên bố “khai tử” khay chứa thẻ SIM truyền thống trong phiên bản Pro của dòng iPhone 14 để chuyển sang eSIM, điều đó phần nào cho thấy các nhà sản xuất điện thoại đã lường trường một tương lai mà eSIM sẽ dần thay thế hoàn toàn SIM truyền thống trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Android 13 của Google cũng hướng tới loại bỏ khay chứa thẻ SIM hoàn toàn nhằm tạo nhiều không gian bên trong smartphone hơn để dành cho các thành phần khác. Công nghệ mới sẽ được Google sử dụng trên Android được gọi là Multiple profiles enabled (MEP), về cơ bản sẽ cho phép người dùng cài đặt hai eSIM một lúc.

Bằng cách này người dùng có thể có hai số điện thoại trên cùng một smartphone, thậm chí từ hai nhà mạng khác nhau mà không cần lắp đặt SIM vật lý. Mục tiêu của MEP là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi giữa các nhà mạng có sẵn.

Các nhà mạng và các dòng thiết bị hỗ trợ eSIM tại Việt Nam

eSIM đã được nhiều thiết bị hỗ trợ và các nhà mạng Việt Nam cũng đang nỗ lực để phục vụ người dùng có nhu cầu chuyển đổi sang dùng eSIM. Tính đến hết tháng 5/2022, bên cạnh ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam - MobiFone, Viettel và Vinaphone - thì một nhà mạng trẻ có tên là Itel đã hỗ trợ eSIM.

Tất cả các nhà mạng nói trên đều hỗ trợ đăng ký đổi eSIM trên website. Thậm chí, MobiFone và Viettel đã hỗ trợ đăng ký trên hai app tương ứng là My MobiFone và My Viettel.

eSIM là gì? Vì sao các hãng điện thoại lựa chọn eSIM thay thế SIM truyền thống?
eSIM đã xuất hiện tại Việt Nam từ vài năm nay.

Kể từ khi các nhà mạng Việt Nam đồng loạt triển khai eSIM, danh sách các thiết bị có hỗ trợ eSIM cũng ngày một dày lên.

Dưới đây là một số dòng thiết bị phổ biến được hỗ trợ eSIM:

Smartphone (điện thoại thông minh)

- Apple: Các dòng iPhone từ năm 2018 trở về sau, gồm iPhone Xs/Xs Max/Xr, iPhone 11/11 Pro/11 Pro Max, iPhone 12/12 Pro/12 Pro Max, iPhone SE thế hệ 2 (2020), iPhone 13/13 Pro/13 Pro Max và iPhone SE thế hệ 3 (2022), iPhone 14 Pro và Pro Max.

- Samsung: Các dòng thiết bị cao cấp như Galaxy S20/S20+/S20 Ultra, Note20/Note20 Ultra hoặc mới hơn; các dòng gập Galaxy Fold/Z Fold2/Z Fold3 và Galaxy Z Flip/Z Flip3.

- Google: Google Pixel 2/2 XL, Google Pixel 3/3 XL, Google Pixel 3a/3a XL, Google Pixel 4/4 XL và Google Pixel 5.

- Huawei: Huawei P40 Pro, P40 Pro+

Tablet (máy tính bảng)

- Apple iPad: iPad Pro từ năm 2018, các dòng iPad Air 3, iPad (thế hệ 7) và iPad Mini 5 hoặc mới hơn

- Các dòng sản phẩm khác: Microsoft Surface Duo/Pro (LTE), một số máy tính dạng kết hợp (2-in-1) hỗ trợ Windows 10

Smartwatch (đồng hồ thông minh)

- Apple: Các dòng Apple Watch từ series 3 trở lên và có hậu tố "LTE" (ví dụ: Apple Watch series 7 LTE)

- Samsung: Các dòng Galaxy Watch và Galaxy Gear có hậu tố "LTE"

- Huawei: Huawei Watch 2/2 Pro và Huawei Watch 3/3 Pro (tham khảo: CellphoneS)

Cách chuyển đổi từ SIM thường sang eSIM tại Việt Nam

Viettel Vinaphone MobiFone

Viettel cung cấp eSIM qua hệ thống cửa hàng trực tiếp. Khách hàng có nhu cầu dùng eSIM thì có thể đến Điểm giao dịch Viettel gần nhất.

- Đối với khách hàng mới: Cần có CMND/CCCD

- Đối với khách hàng thực hiện đổi Sim thường sang eSIM: Cần CMND + Thẻ SIM cũ.

- Sau khi hoàn tất các thủ tục, nhân viên Viettel sẽ cung cấp cho khách hàng mã QR code chứa thông tin số điện thoại, và kích hoạt thông qua ứng dụng chụp ảnh (hoặc ứng dụng tra mã QR code có sẵn trên máy).

Có thể đăng ký eSIM của nhà mạng Vinaphone theo các bước:

- Bước 1: Truy cập esim.vinaphone.com.vn

- Bước 2: Tại giao diện trang chủ khách hàng chọn vào mục Đăng ký eSIM cho thuê bao VinaPhone và bấm Tiếp tục.

- Bước 3: Điền đầy đủ các thông tin cá nhân theo yêu cầu, gồm: Họ và tên, Địa chỉ, Số điện thoại sau đó kích chọn Nhận OTP rồi tiếp tục nhập mã OTP (nhận được) ngay bên cạnh.

- Bước 4: Cuối cùng tiến hành bấm vào ô Đăng ký đổi eSIM là xong.

Có thể đăng ký eSIM của nhà mạng MobiFone như sau:

- Giấy tờ cần chuẩn bị: CMND + SIM đang dùng.

- Địa điểm đổi sim thường sang eSim của MobiFone: Tại các cửa hàng giao dịch MobiFone trên toàn quốc.

- Phí đổi sim thường sang eSim: 25.000đ/sim.

- Sau khi chuyển đổi thành công nhân viên tại cửa hàng sẽ hỗ trợ khách hàng quét mã QR eSIM vào thiết bị để sử dụng.