Cụ thể, đối với việc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nano Covax của Nanogen, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay ngày 22/8, Công ty nộp hồ sơ lên Hội đồng đạo đức Quốc gia, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung còn tồn tại, yêu cầu cần phải giải quyết.

Báo Người lao động đưa tin, theo ông Thuấn, chúng ta rất mong có vắc-xin sản xuất trong nước sớm nhất, nhưng vắc-xin là một sản phẩm đặc biệt, không những ảnh hưởng đến một người mà liên quan cả cộng đồng, thậm chí cả thế hệ. Chính vì vậy, chủ trương của Chính phủ, của Bộ Y tế là phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Kết luận của Hội đồng cấp phép còn 3 nội dung phải hoàn thành đó là: Tính an toàn; tính miễn dịch và tính bảo vệ.

Về tính an toàn, Thứ trưởng Thuấn cho biết cần cập nhật dữ liệu tính an toàn cho các đối tượng đã tiêm 1 liều và giải thích rõ các sự cố. Về tính sinh miễn dịch, cần cập nhật tính sinh miễn dịch theo các biến chủng mới, cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu. Đối với tính bảo vệ, Hội đồng đề nghị bàn luận, tính toán để tính sinh miễn dịch phải đảm bảo trên 50% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời báo chí tại buổi họp báo ngày 6/9. Ảnh: Internet
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời báo chí tại buổi họp báo ngày 6/9. Ảnh: Internet

Về câu hỏi liên quan đến việc chúng ta ứng xử thế nào đối với những người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ đây là vấn đề mà Bộ Y tế sẽ bàn sớm với các Bộ, ban, ngành liên quan và dựa trên tham vấn của các nhà khoa học, tham khảo và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Báo Tổ quốc đưa tin, cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam về việc đi lại đối với người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch.

"Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vắc-xin nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vắc-xin sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc-xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi/ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9. Về vắc-xin cho trẻ em, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.