Dự báo thị trường chứng khoán tuần từ 19-23/12/2022: Thị trường vẫn sẽ tích lũy trong vùng 1.030-1.060 điểm
Dự báo thị trường chứng khoán tuần từ 19-23/12/2022, vẫn sẽ tích lũy trong vùng 1.030-1.060 điểm. Ảnh minh họa

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng chỉ 0,67 điểm (+0,1%) lên 1.052,48 điểm, HNX-Index giảm 4,01 điểm (- 1,8%) xuống 212,99 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 18,1% so với tuần trước đó xuống 71.179 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 22,4% xuống 3.956 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 26,5% xuống 6.904 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 24,2% xuống 497 triệu cổ phiếu.

Xét theo mức độ đóng góp, nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, VPB, EIB hay TCB và các mã HPG, HVN là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Trong khi đó, họ Vingroup gồm VIC, VHM và VRE là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang thận trọng khiến thị trường đi ngang trong tuần qua và dòng tiền có sự phân hóa và luân phiên giữa các ngành trong tuần. Nhóm cổ phiếu Nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 5,9% giá trị vốn hóa, nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu thuộc ngành con thép với phiên bùng nổ cuối tuần như HPG (+6,25%), HSG (+4,25%), NKG (+6,02%), TVN (+7,16%). Các cổ phiếu thuộc ngành con hóa chất, phân đạm cũng đóng góp tích cực như DGC (+7,08%), CSV (+3,79%), DCM (+1,05%), DPM (+0,81%)...

Tiếp theo là nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 5,1% giá trị vốn hóa. Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đột phá với mức tăng 28,5%, với thông tin đường bay với Trung Quốc được mở lại. Các cổ phiếu bán lẻ cũng hồi phục khá tốt với MWG (+3,6%), DGW (+3,28%), FRT (+1,5%).

Cổ phiếu ngân hàng mạnh thứ ba với 4% giá trị vốn hóa. Mặc dù có sự phân hóa nhưng một số cổ phiếu đã thu hút được dòng tiền khá tốt như VPB (+9,47%), MBB (+3,3%), VCB (+3,1%), EIB (+22,9%), TCB (+3,2%)...

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản giảm mạnh nhất do ảnh hưởng của cặp đôi VIC (-13,9%) và VHM (-8,9%).

Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 6 liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 1.879 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, VND là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 16,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là NVL và SSI với lần lượt 15 triệu và 8,4 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, VNM là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 5,3 triệu cổ phiếu.

CTCK Vietcombank (VCBS)

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang giằng co tích lũy quanh mốc 1.050 điểm. Các chỉ báo ngắn hạn vẫn đang có xu hướng bẻ ngang trung lập thể hiện sự lưỡng lự, trung lập.

Mặc dù lực cầu vẫn chưa trở lại nhưng VN-Index vẫn đang nằm trong sóng phục hồi nên sẽ cần thêm thời gian tích lũy để quay trở lại đà tăng, hướng lên các vùng điểm cao phía trên. Nếu áp lực bán bất ngờ xuất hiện, vùng điểm 1.030 vẫn được xác định là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn, có thể bán lướt sóng các cổ phiếu đã có nhịp tăng tốt, nâng cao tỷ trọng tiền mặt để chờ đợi cơ hội giải ngân ở vùng giá tốt hơn khi thị trường rung lắc.

CTCK Tân Việt (TVSI)

VN-Index vẫn duy trì xu hướng đi ngang trong phiên cuối tuần, nhưng kết tuần vẫn tăng nhẹ so với tuần trước đó, cho thấy chỉ số đã có một tuần đi ngang tích lũy tích cực.

Trong phiên 16/12, mặc dù thanh khoản giao dịch gia tăng rất tốt nhưng chỉ số giảm điểm đang củng cố thêm cho nhận định tiềm ẩn nhịp điều chỉnh mà chúng tôi đã nêu ra.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường đang tăng điểm chậm rãi và tiếp tục tích lũy chờ cơ hội bùng nổ mới. Trong các phiên tới, với việc chỉ số đi ngang quá lâu trước vùng kháng cự khả năng cao sẽ diễn ra các nhịp điều chỉnh mạnh mang tính rũ bỏ.

Nhịp điều chỉnh dự báo sẽ không quá lâu và biên độ giảm sẽ không quá lớn. Hỗ trợ tích cực của thị trường hiện tại trong ngắn hạn vẫn ở quanh vùng 1.000-1.030 điểm.

CTCK MB (MBS)

Thị trường đã khép lại một tuần tăng nhẹ trong bối cảnh có nhiều sự kiện tác động kể cả trong và ngoài nước. Tuần qua, thị trường trong nước ngược dòng chứng khoán thế giới, một phần nhờ khối ngoại tiếp tục mua ròng sang tuần thứ 6 liên tiếp.

Mặt khác, dù thanh khoản giảm nhưng thị trường vẫn có sự phân hóa tích cực, dòng tiền có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu tín hiệu như: thép, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản vừa và nhỏ,

Tuần sau, cung cầu sẽ trở lại trạng thái cân bằng và phản ánh rõ hơn diễn biến của thị trường. Trong bối cảnh chứng khoán thế giới điều chỉnh giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp và thanh khoản thường giảm do yếu tố mùa vụ cuối năm.

Trong kịch bản tích cực, thị trường có khả năng dao động trong xu hướng đi ngang ở vùng 1.024-1.063 điểm.

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Áp lực phân phối gia tăng khiến cho chỉ số một lần nữa quay đầu giảm điểm trước ngưỡng cản gần 1.060 (+/-5) điểm.

Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục từ vùng đáy tháng 11 vẫn hiện hữu, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co với vùng hỗ trợ gần được quanh 1.02x điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ kê lệnh mua giá thấp khi chỉ số về lại vùng hỗ trợ sâu.

CTCK BIDV (BSC)

Thị trường tiếp tục có một phiên đi ngang trong ngày cuối tuần trước, vẫn trong quá trình tích lũy trong vùng 1.030-1.060 điểm với thanh khoản thấp. Độ rộng khá cân bằng với 12/19 ngành tăng điểm, trong đó mức tăng mạnh nhất 4,5% thuộc về ngành tài nguyên cơ bản.

Trong những phiên tới, thị trường vẫn sẽ tích lũy trong vùng 1.030-1.060 điểm trước khi có dòng tiền vào và đẩy chỉ số bật tăng.