Đổi tiền mới - ""đến hẹn... lại nóng""
Người dân cần thận trọng và không nên sử dụng dịch vụ đổi tiền trực tuyến. Ảnh: Đỗ Tâm

Sôi động dịch vụ đổi tiền mới

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương không in thêm tiền lẻ, siết chặt việc đổi tiền mệnh giá nhỏ, nhưng dịch vụ đổi tiền mới vẫn sôi động, với đủ loại mệnh giá, nhất là trên mạng internet. Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền mới”, “đổi tiền lẻ” trên các công cụ tìm kiếm, hàng chục website cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra. Trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, cũng với từ khóa tương tự sẽ có hàng trăm kết quả. Mức phí đổi tiền khá tương đồng giữa những người cung cấp và tỷ lệ nghịch với mệnh giá tiền. Cụ thể, tiền mới mệnh giá 500 đồng có phí đổi lên đến 70%, tiền mệnh giá 1.000 đồng phí 20%, tiền mệnh giá 2.000 đồng phí 10%, tiền mệnh giá 5.000 đồng phí 17%. Trong khi đó, khách đổi tiền mới mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng có mức phí là 15%, nghĩa là để có được 1 triệu đồng tiền mệnh giá 10.000 đồng mới, khách sẽ phải chi 150.000 đồng tiền phí.

Đáng chú ý, các trang dịch vụ đổi tiền đều quảng cáo không hạn chế về số lượng. Một người làm dịch vụ đổi tiền trên Facebook có tên A.V cho biết, có thể đổi cho khách cả tỷ đồng các mệnh giá. Nếu khách hàng đổi số lượng tiền lớn thì tính chênh lệch quy đổi là 10%. Tức là muốn đổi 10 triệu đồng tiền mới thì khách hàng phải chịu phí 1 triệu đồng. Còn đổi với số lượng ít hơn 10 triệu đồng thì mức phí là 15%. Với tiền mới có mệnh giá nhỏ (500 đồng đến 5.000 đồng), phí có khi lên đến 30%. Trong khi đó, vào cùng thời điểm năm 2021, mức phí cao nhất chỉ khoảng 7%-10%. Như vậy, mức phí năm nay tăng gấp 2, 3 lần năm trước.

Ngược lại với thực trạng trên, hầu hết ngân hàng thương mại đều lắc đầu “than” khó khi được đề nghị đổi tiền mới. Nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở chính ở Hà Nội cho biết, nhân viên ngân hàng cũng chỉ được đổi 1-2 thếp tiền lẻ, nên việc đổi hộ cho người thân, bạn bè là gần như không thể. Với khách hàng lớn, số tiền được đổi cũng không nhiều. Lý do là Ngân hàng Nhà nước không có chính sách in tiền mới trong mấy năm trở lại đây nên lượng tiền mới chủ yếu huy động từ các chi nhánh ngân hàng địa phương và không còn nhiều. Thậm chí có ngân hàng không đổi tiền mới do nguồn cung gần như không có.

Chị Thu Trang, nhân viên một ngân hàng trên phố Bà Triệu cho hay, mấy năm gần đây chỉ có tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng đổi ngẫu nhiên cho khách, còn các mệnh giá thấp hơn gần như không có. Năm nay, ngay cả tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng cũng rất hiếm.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không cung ứng tiền mới nên tiền lẻ mới ngân hàng đổi cho khách hàng thường là do tận dụng nguồn tiền mới được cung ứng thay thế tiền cũ.

Đổi tiền mới - ""đến hẹn... lại nóng""
Những năm gần đây, ngân hàng chỉ có tiền mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng… đổi ngẫu nhiên cho khách, còn các mệnh giá thấp hơn gần như không có. Ảnh: Nguyễn Quang

Vi phạm rất ít khi bị xử lý

Gần 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết. Theo đó, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000-2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và từ năm 2016 đến nay không chi ra tiền mới từ 5.000 đồng. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc Ngân hàng Nhà nước hạn chế in tiền lẻ mới giúp tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhờ giảm chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm.

Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền mới trong dịp Tết đã trở thành thói quen của đại đa số người dân. Đây là lý do dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn tồn tại, nhất là cao điểm Tết.

Các chuyên gia cho rằng, đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao bởi nhiều trang web đổi tiền không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước. Đặc biệt, đối tượng làm dịch vụ đổi tiền thường lấy lý do khan hiếm tiền mới để nâng mức phí đổi tiền không có căn cứ. Người dân cần thận trọng, không nên đổi tiền, mất phí, nhất là sử dụng dịch vụ đổi tiền trực tuyến.

Trên thực tế, những cá nhân làm dịch vụ đổi tiền mới là vi phạm quy định pháp luật. Tại Điểm a, Khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 14-11-2019) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Nhưng thực tế dịch vụ đổi tiền lẻ mới vẫn diễn ra phổ biến trong nhiều năm và dường như rất ít trường hợp bị kiểm tra, xử lý nên vẫn “nóng” mỗi dịp Tết về... Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.