Theo kết luận thanh tra, thời gian qua thị trường bảo hiểm nói chung và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng có sự tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng.

Năm 2022, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng còn nhiều sai phạm. Trong đó, khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới sai phạm nhiều nhất.

Các hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp. Ngân hàng không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm. Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng máy tính bảng, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

“Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính hành vi sai phạm trên theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch”, Bộ Tài chính khẳng định.

Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp như: Tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm. Doanh nghiệp chủ động phát hiện, xử lý thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.

Doanh nghiệp bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ, ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm.

Doanh nghiệp có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Theo đó đại lý phải đáp ứng đầy đủ điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Trong năm nay, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.

Prudential Việt Nam lên tiếng về kết luận của thanh tra Bộ Tài chính về hoạt động bán bảo hiểm nhân thọ. Ảnh minh họa
Prudential Việt Nam lên tiếng về kết luận của thanh tra Bộ Tài chính về hoạt động bán bảo hiểm nhân thọ. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.

Ngay sau đó, ngày 2/7 các công ty bảo hiểm bị "chỉ mặt" đã lên tiếng.

Cụ thể: Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam chính thức thông tin về kết luận thanh tra được Bộ Tài chính công bố.

Prudential Việt Nam cho biết, đây là hoạt động thanh tra định kỳ thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật thanh tra và pháp luật kinh doanh bảo hiểm.

Kết luận thanh tra có đề cập một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm và yêu cầu doanh nghiệp tiến hành rà soát cũng như tăng cường các biện pháp mạnh mẽ hơn, gồm: Công tác triển khai sản phẩm bảo hiểm; quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm của đại lý bảo hiểm và cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm tổ chức hiệu quả hơn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm; thực hiện tăng cường công tác quản lý tài chính về chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm.

Ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám Đốc Prudential Việt Nam, cho biết, bên cạnh các hoạt động kiểm soát nội bộ theo yêu cầu của Tập đoàn, hoạt động thanh tra định kỳ từ cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng tốt hơn, hiệu quả hơn và giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

"Hoạt động thanh tra này đã giúp Prudential tích cực tìm ra các giải pháp để cải thiện và củng cố các hoạt động kiểm soát chất lượng bán hàng, cũng như hiểu rõ kỳ vọng của cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong hoạt động triển khai sản phẩm và bán hàng", đại diện Prudential cho hay.

Theo ông Minh, đối với những vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng đại lý được đề cập trong kết luận thanh tra, Prudential đã chủ động phối hợp với các đối tác để thường xuyên giám sát, phát hiện và áp dụng các biện pháp nội bộ kiểm soát chất lượng. Tất cả những trường hợp đại lý vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra lần này cũng đã được Prudential xử lý theo quy định nội bộ của công ty ngay tại thời điểm năm 2021.

Ông Minh nhấn mạnh, những vấn đề được nêu trong kết luận thanh tra chính là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện quy trình nội bộ để đảm bảo tuân thủ cao nhất quy định pháp luật. Prudential cam kết tập trung vào chất lượng dịch vụ, phát triển lành mạnh và bền vững mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng.

Về phía MB Ageas Life, kết quả thanh tra ghi nhận MB Ageas Life đã ban hành đầy đủ các văn bản, quy định liên quan đến giải quyết khiếu nại khách hàng, hoạt động tuyển dụng, đào tạo, cấp quyền bán, giám sát chất lượng đại lý và các quy định xử lý kỷ luật đại lý bảo hiểm có vi phạm.

Một số nội dung liên quan đến chỉ tiêu đánh giá chất lượng hoạt động của cấp quản lý đại lý đã được MB Ageas Life chủ động nhận diện và hoàn thiện bằng việc ban hành các quy định mới vào cuối năm 2021.

Ngoài việc ban hành các quy định nội bộ, MB Ageas Life còn thực hiện các biện pháp trực tiếp, gián tiếp khác để đảm bảo chất lượng hoạt động của lực lượng đại lý bảo hiểm, trong đó có lực lượng bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Về các khiếu nại, phàn nàn của khách hàng qua hotline và các kênh tiếp nhận thông tin khác đều được MB Ageas Life ghi nhận đầy đủ vào hệ thống phần mềm và được theo dõi, xử lý tập trung tại Phòng dịch vụ khách hàng. Việc giải quyết khiếu nại đảm bảo thời gian, trình tự và thủ tục theo đúng quy định nên không phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài.

"Đặc biệt, tất cả các trường hợp vi phạm của đại lý cá nhân ghi nhận trong Kết luận thanh tra đều là vi phạm quy định nội bộ của MB Ageas Life và do MB Ageas Life chủ động phát hiện và được xử lý dứt điểm trước khi có kế hoạch thanh tra của Bộ Tài chính", MB Ageas Life cho hay.

MB Ageas Life nhận thức rõ hoạt động thanh tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là cơ hội phát hiện các tồn tại mà tự thân doanh nghiệp sẽ khó có thể nhận diện được đầy đủ, làm cơ sở để doanh nghiệp xây dựng và củng cố cho hệ thống điều hành và quản trị doanh nghiệp.

Việc phát hiện các tồn tại đã giúp MB Ageas Life cải tiến, hoàn thiện các hoạt động quản lý, kinh doanh, đồng thời giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, phù hợp với các thay đổi của pháp luật kể từ năm 2022 khi Luật Kinh doanh bảo hiểm mới và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành.

MB Ageas Life khẳng định luôn theo đuổi tôn chỉ và nguyên tắc hoạt động là thượng tôn pháp luật, minh bạch, trung thực, tôn trọng khách hàng của mình.