Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) ngày 22/6/2021 vừa gây sốc với đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm. Dù vấp phải phản ứng trái chiều của nhiều chuyên gia tài chính, Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) vẫn cho rằng giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm sẽ thành công, tạo bước ngoặt đưa kinh tế Việt Nam sang giai đoạn phát triển mới.

VAFI nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn tiến hành chúng ta phải ban hành 5 giải pháp và trong đó ban hành luật thuế tài sản để khóa kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết.

Đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm: Chuyên gia phản đối, VAFI vẫn tin thành công?
Đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm: Chuyên gia phản đối, VAFI vẫn tin thành công?

Sau khi có 5 giải pháp được ban hành, mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%. Để có các văn bản như VAFI đề xuất thì thời gian tiến hành phải cần tới 2 năm nữa.

Theo VAFI, đề xuất đưa tiền gửi VND về 0% đã được nghiên cứu công phu từ lâu để xác định con đường mà các nhà hoạch định chính sách phải đi và VAFI tin tưởng rằng sẽ thành công vang dội. “Văn bản của VAFI còn bao hàm 1 mục tiêu là kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tài chính tiền tệ phải có nỗ lực hội nhập. Tại sao các nước trong khu vực họ làm được mà mình không làm được, mình còn thiếu điều kiện gì và cần banh hành giải pháp để đạt được mục tiêu”.

“Chỉ cần Chính phủ ban hành các sắc thuế về chống đầu cơ nhà đất nhằm kiểm soát dòng tiền đi vào kênh này thì lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại đã dư thừa rất nhiều, tới thời điểm đó không cần can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất huy động đã giảm mạnh rổi”- đại diện VAFI khẳng định.

Đồng thời, đại diện VAFI cho biết, Hiệp hội này đã ra đời và hoạt động được 16 năm, VAFI không phải là nhà tạo lập chính sách mà chỉ dùng uy tín của mình để tạo lập chính sách.

Trước đó, ngày 4/11/2010 VAFI có văn bản gửi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề xuất qui định mức trần tiền gửi ngoại tệ không quá 1/%/năm và sau này hướng tới lãi suất 0%/năm nhằm giải quyết các mục tiêu cấp bách và lâu dài như ổn định tỷ giá, giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, tạo cơ sở để tăng giá VND và hạ dần mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức rất cao.

Theo VAFI, văn bản này được ra đời trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang còn chịu tác động lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thâm hụt thương mại rất lớn lên tới hàng chục tỷ đô la mỗi năm, lãi suất huy động VND ở mức 14%/năm, lãi suất tiền gửi USD ở mức 5%-6%/năm, lạm phát cao, hệ thống các ngân hàng thương mại bị tổn thương nặng bởi khủng hoảng kinh tế, nợ xấu tăng cao, nhiều ngân hàng kinh doanh thua lỗ và một số ngân hàng ở tình trạng giải thể, phá sản…

Quan điểm của VAFI đang thu hút sự chú ý của dư luận và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, ý kiến của VAFI là tích cực nhưng điều này không thể thực hiện được!

Để kiểm soát tình trạng này, ông cho rằng, ngân hàng rất khó kiểm soát được vấn đề sử dụng vốn của khách hàng. Thứ hai, khi ngân hàng cho vay ra sẽ có tài sản đảm bảo. Vì lợi nhuận nên đôi khi chính ngân hàng cũng ‘nhắm mắt làm ngơ’ để cho khách hàng vay, ngay cả khi biết số tiền đó sẽ đầu tư vào những tài sản đầu cơ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đề xuất của VAFI là không thực hiện được.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đề xuất của VAFI là không thực hiện được

Trước quan điểm của VAFI nên đề xuất tăng thuế bất động sản để hạn chế dòng tiền đổ vào, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu đây là điều không thể xảy ra: "Thực tế, ý kiến của VAFI tìm cách hạn chế dòng tiền đầu cơ chảy vào bất động sản,… về mặt lý thuyết thì nên nhưng trên thực tế hiện nay không thể thực hiện được".

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng VAFI "quá lạc quan". Năm 2020, GDP của Việt Nam rơi xuống 2,91% thấp nhất trong vòng 10 năm qua do dịch bệnh. Quý 1/2021 tăng lên hơn 4%. Thế nhưng dịch bệnh lại ập đến, lần dịch thứ 4 này đang tác động rất mạnh đến kinh tế nước ta… Thực tế cho thấy đánh giá của VAFI có thể nói là... "hoang tưởng".

Trước đó, VAFI cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm như: nền kinh tế đã, đang và tiếp tục phát triển với tốc độ cao hơn các nước trong khu vực và các nước Âu Mỹ; thị trường trái phiếu cũng phát triển nhanh và đang từng bước thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia; Hệ thống ngân hàng nội địa đã vững mạnh hơn trước rất nhiều; Hàng năm có lượng kiều hối lớn hàng chục tỷ đô la gửi về; Nếu dịch Covid được khống chế thì ngành du lịch tiếp tục phát triển nhanh và hàng năm thu về hàng chục tỷ đô la;…