Theo quy định, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do người lao động đóng bằng 1% tiền lương hàng tháng. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, kể từ khi thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp năm 2009, đến nay, tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chuyển sang năm 2021 hơn 89.100 tỉ đồng.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, theo số liệu năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi hơn 6.200 tỉ đồng tiền trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1triệu người, tăng hơn 49% so với năm 2019, song vẫn kết dư gần 3.600 tỉ đồng. Như vậy, kết dư quỹ này liên tục tăng và hiện ở mức cao (gần 90.000 tỉ đồng). Với số kết dư lớn như vậy, ông Lê Đình Quảng đề xuất giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0,5% cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Ông Lê Đình Quảng phân tích, trong điều kiện doanh nghiệp và người lao động tiếp tục gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh kéo dài, nếu giảm mức đóng xuống 0.5% thì mỗi năm doanh nghiệp và người lao động có khoảng gần 10.000 tỉ đồng dành để sản xuất kinh doanh cũng như chăm lo đời sống cho người lao động. Trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, thiếu công ăn việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, nên dùng một phần hỗ trợ cho các tỉnh có đông công nhân lao động.

Đề xuất giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, giảm áp lực cho doanh nghiệp và người lao động
Đề xuất giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, giảm áp lực cho doanh nghiệp và người lao động

“Tôi đề nghị nên xem xét giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tôi thấy rằng kết dư nhiều nămmàcả người lao động và người sử dụng lao động đóng rất cao. Năm nào chúng ta giám sát cũng thấy kết dư nhiều nhưng chúng ta lại không đề xuất chính sách, trong khi doanh nghiệp, người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, người lao động thu nhập cũng rất thấp. Còn nếu chúng ta chờ để sửa Luật việc làm, theo lộ trình tôi nắm được thì chắc phải đến năm 2025 mới có hiệu lực”, ông Quảng nói.

Trong khi đó, số lao động được hỗ trợ học nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng rất thấp nên số tiền chi cũng thấp. Từ khi chính sách có hiệu lực năm 2009, đến hết năm 2020, chỉ có hơn 230.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Riêng năm 2020, chỉ có khoảng hơn 26.000 lượt người lao động được hỗ trợ học nghề trên tổng số hơn 1 triệu người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, mặc dù đã có chính sách tăng tiền hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người nhưng chính sách này vẫn chưa hiệu quả: “Hiện nay, việc thiếu lao động ở các doanh nghiệp rất lớn và doanh nghiệp tuyển người cũng rất khó, kể cả lao động phổ thông. Vậy tại sao số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng trong khi số người được tư vấn giới thiệu việc làm hay tư vấn hỗ trợ học nghề ngày càng giảm? Chúng ta cần phải làm rõ nguyên nhân, tôi có suy nghĩ hơi chủ quan rằng, phải chăng do tâm lý người lao động hay cách chúng ta tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể là ở các Trung tâm giới thiệu việc làm chưa hiệu quả”.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đến hết ngày 16/8/2021, cả nước có hơn 1,3 triệulao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc làm hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Có hơn 1.000 doanh nghiệp với hơn 84.000công nhân lao động vừa cách ly hoặc phong tỏa vừa sản xuất...

Năm 2020, hơn 1,1 triệu lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất ở các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Hơn 26.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, chủ yếu học lái xe, nấu ăn, pha chế.