Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số quy định liên quan đến bảng giá đất; nguyên tắc xác định giá đất; phương pháp định giá đất... đã được quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND.

Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội đề nghị bổ sung giá đất tại các vị trí cho các tuyến đường, phố mới được đặt tên bao gồm: 136 tuyến đường, phố mới; 02 khu đô thị thuộc địa bàn huyện Quốc Oai. 136 tuyến đường, phố mới thuộc địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh...

Theo cơ quan soạn thảo, khi giá đất của các tuyến đường, phố mới chưa được quy định trong Bảng giá đất thì nghĩa vụ tài chính về đất của các tổ chức, cá nhân được xác định theo giá đất của các tuyến đường lân cận.

Việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường; dần tiếp cận với giá phổ biến trên thị trường, góp phần thiết lập cơ chế, chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai, làm cơ sở để thực hiện chính sách tài chính về đất, gắn mối quan hệ giá đất với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn thành phố.

Dự kiến Nghị quyết thông qua chủ trương sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được xem xét tại kỳ họp giữa năm của HĐND TP tổ chức vào đầu tháng 7 tới.

Hà Nội đề nghị bổ sung giá đất tại các vị trí cho các tuyến đường, phố mới
Hà Nội đề nghị bổ sung giá đất tại các vị trí cho các tuyến đường, phố mới. Ảnh minh họa: An ninh Thủ đô

Trước đó, UBND TP Hà Nội lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố năm 2023.

Theo đó, thành phố sẽ đặt tên 58 tuyến đường, phố mới ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín.

Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội đề xuất lấy tên nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đặt tên cho tuyến đường ở quận Hoàng Mai. Tuyến này nằm từ ngã tư giao cắt đường Giải Phóng - phố Hoàng Liệt đến ngã ba giao cắt cạnh số 95 phố Nam Dư và chân cầu Thanh Trì.

Ngoài ra, thành phố dự kiến lấy tên 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đặt tên cho các tuyến đường ở huyện Gia Lâm.

Cụ thể, đường An Bang được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Thánh Tông với cầu vượt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đoạn đường dài hơn một km, rộng 8-10 m, vỉa hè mỗi bên 1-2 m.

Đường Song Tử Tây sẽ bắt đầu từ ngã ba giao với đường Lý Thánh Tông tại xã Đa Tốn đến ngã ba giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại cầu B1.01. Đường dài 1,2 km, rộng 8-10 m, vỉa hè mỗi bên 1-2 m.

Đường Nam Yết sẽ từ ngã ba giao với đường Lý Thánh Tông đến ngã ba giao với đường đi vào thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn. Đoạn đường dài 1,6 km, rộng 8-10 m, vỉa hè mỗi bên 1-2 m.

Đường Sơn Ca dự kiến từ ngã ba giao với đường Lý Thánh Tông đến ngã tư giao với đường đi xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ. Tuyến đường dài 1,7 km, rộng 8-10 m, vỉa hè mỗi bên 1-2 m.

Đường Phan Vinh sẽ từ ngã ba giao với lối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến ngã ba giao với đường đê sông Bắc Hưng Hải tại ngõ 342 Kiêu Kỵ. Tuyến đường dài 1,8 km, rộng 8-10 m, vỉa hè mỗi bên 1-2 m.

Đường Tiên Nữ sẽ từ ngã tư giao với đường Sơn Ca đến ngã tư giao với đường đê sông Bắc Hưng Hải tại ngõ 342 Kiêu Kỵ. Đường dài 2 km, rộng 8-10 m, vỉa hè mỗi bên 1-2 m.

Thành phố cũng điều chỉnh độ dài của hai tuyến đường, phố. Gồm phố Hà Kế Tấn, quận Hoàng Mai, được kéo dài 470 m, đến ngã tư giao cắt với phố Định Công tại cầu Định Công. Đường Dương Đức Hiền, huyện Gia Lâm được kéo dài 2,2 km đến ngã ba giao với đường vào Đại học Công nghệ dệt may Hà Nội (giáp xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Theo kế hoạch, dự thảo nghị quyết về đặt đổi tên đường phố được trình HĐND TP xem xét thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 tới.