Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN
Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN. Ảnh minh hoạ

Sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 23 cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch.

Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế.

Các tổ chức quốc tế có uy tín như IMF, WB, OECD,… tiếp tục dự báo triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Chính phủ nhận định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn. Nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực.

Liên quan đến một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp (đến ngày 24/4 chỉ tăng 2,66%) cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm 0,41 điểm % so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm.

Ngoài ra, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm…

Bên cạnh đó, điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lên đến lạm phát.

Liên quan đến vấn đề giá điện, trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết một số ý kiến cho rằng việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.

Báo cáo cũng cho biết cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

"Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng chưa được xem xét, thay đổi", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trong báo cáo.

Cũng theo báo cáo, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.

"Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được nêu tại Nghị quyết số 55 và được cụ thể hóa trong Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá. Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII chậm ban hành.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ thêm vấn đề này về những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ngày 4/5 vừa qua, EVN đã công bố quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Bộ Công Thương cho biết chi phí đầu vào tăng cao cũng như những biến động về tỉ giá là những lý do chính cho quyết định tăng giá điện của EVN.

Bộ này nhấn mạnh "việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết". Cũng theo Bộ Công Thương, mức tăng 3% giá điện bán lẻ bình quân là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình xem xét trước đó.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, theo báo của Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).