Mới đây, đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” đã được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông - vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3.
Trong lần bổ sung này, một trong những thay đổi mới nhất của đề án là số trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô thay đổi từ 87 lên gần 100 trạm.
Theo đó, khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
Tổng mức dự kiến đầu tư cho gần 100 trạm thu phí đặt khoảng 2.600 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác. Hình thức đầu tư do ngân sách thành phố và đối tác công tư PPP.
Thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là từ 5 giờ đến 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Đây là một biện pháp kinh tế của thành phố nhằm điều chỉnh hành vi của người sử dụng xe ô-tô cá nhân khi không cần thiết đi vào nội đô, đồng thời khuyến khích việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong nội đô Hà Nội. Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô. Đối tượng thu phí là các xe ô-tô di chuyển từ bên ngoài vành đai 3 Hà Nội và trong nội đô.
Các phương tiện được miễn phí gồm xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội,...); xe công vụ; xe buýt công cộng. Các phương tiện được hưởng chính sách ưu đãi, giảm phí bao gồm xe ô-tô kinh doanh vận tải (gồm: xe hợp đồng, xe du lịch, ta-xi, xe tuyến cố định, xe tải các loại, xe ô-tô dưới chín chỗ của người dân trong khu vực; xe ô-tô của cơ quan công sở trong khu vực...).
Về thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.
Về công nghệ thu phí, đề án áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Hình thức thu phí này được kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.
|
Việc thu phí được cho là sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực nội đô Hà Nội. Ảnh Nhân Dân |
Chia sẻ với báo Nhân Dân về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội phân tích, qua nghiên cứu cho thấy, nếu thành phố không hạn chế phương tiện cá nhân thì không thể phát triển vận tải hành khách công cộng được. Do đó, việc thu phí này là cần thiết, là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc giao thông và không làm tăng chi phí xã hội. Từ năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 04/2017 với 37 nhiệm vụ đồng bộ để quản lý phương tiện, giảm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai 1, 2, 3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh, tuyến vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết.
Theo ông Vũ Văn Viện, muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp hạn chế xe máy ở một số khu vực vào năm 2030 và thu phí xe ô-tô vào nội đô. Mỗi nhóm giải pháp tác động vào một nhóm đối tượng nhất định nhằm mục tiêu thay đổi hành vi tham gia giao thông.
Trong buổi tọa đàm “Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030" được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Đại học Giao thông Vận cho hay, ở nước ta, Hà Nội và TP HCM, tình trạng ách tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông. Trong đó, phương tiện giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng tỉ lệ rất nhỏ, khoảng dưới 10%.
Đặc biệt, những phương tiện công cộng có sức chứa lớn như tàu điện ngầm thì chúng ta đang không có, dù trong lịch sử, loại hình phương tiện giao thông công cộng này đã xuất hiện ở Hà Nội từ hơn 200 năm trước.
Và mới đây, theo Kế hoạch, giai đoạn từ năm 2022-2025, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Quyền (chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam) cho rằng, để triển khai thu phí sẽ không đơn giản và phải đối mặt với hàng loạt bài toán khó... Trong đó tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó. Nguyên tắc là phải có lựa chọn thay thế.
Chẳng hạn với hệ thống metro, xe buýt ở Hà Nội, TP HCM phải đảm đương được 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Song thực tế hiện nay giao thông công cộng của Hà Nội hay TP HCM năng lực còn hạn chế.
https://sohuutritue.net.vn/de-an-thu-phi-vao-noi-do-ha-noi-tang-len-100-tram-thu-phi-d150692.html