Hơn 1,5 triệu tài khoản mở mới năm 2021

Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy, trong hai năm đại dịch vừa qua, số lượng tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới tăng đột biến. Đơn cử, năm 2018 chỉ có khoảng 255.000 tài khoản mới, năm 2019 là 188.600, nhưng năm 2020 đã tănng lên 393.600 tài khoản, tới năm 2021 là hơn 1,5 triệu tài khoản được mở mới.

Đáng nói, trong năm 2021, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên đạt thanh khoản tỉ đô, đơn cử phiên giao dịch 20/8 xác lập thanh khoản 48.500 tỉ đồng, hay trong phiên 3/11, các nhà đầu tư cũng chứng kiến thanh khoản toàn thị trường chứng khoán lên mức kỷ lục lịch sử với gần 52.000 tỉ đồng (gần 2,3 tỉ USD).

"Cơn sốt" chứng khoán năm 2022: Nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn
VN-Index đã nhiều lần lập đỉnh chỉ trong năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Mặc dù trước dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ tiền tệ, doanh nghiệp, …thì nay sự gia nhập của nhà đầu tư lẻ ngày càng tăng lên, trong đó có rất nhiều nhà đâu tư F0.

“Cơn sốt” mua bán chứng khoán trong mùa dịch lan rộng với tốc độ nhanh chóng, đến mức “người người, nhà nhà” đều chơi cổ phiếu, từ nhân viên văn phòng, bà nội trợ, đầu bếp, tài xế, sinh viên, học sinh đến người lao động của các ngành nghề khác nhau, thậm chí cả những người đang thất nghiệp do tác động của đại dịch. Có những nhà đầu tư chỉ mới ngồi ghế nhà trường trung học cũng dám “mạnh tay” đầu tư cả trăm triệu đồng, với mong muốn kiếm lời từ “lướt sóng” cổ phiếu.

Cuối năm 2021, VN-Index kết thúc ở mức hơn 1.498 điểm, tương ứng mức tăng 36% trong cả năm. Giá trị giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam bình quân đạt hơn 25.960 tỉ đồng/phiên (khoảng 1,13 tỉ USD), tăng 250% so với năm 2020, tương đương tăng khoảng 430 triệu USD. So sánh với giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường Thái Lan là khoảng 2 tỉ USD/ngày, của Indonesia là 800 triệu USD/ngày, Singapore là 500 triệu USD/ngày và Philippines là 100 triệu USD/ngày.

Những con số đã cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang sôi động như thế nào, và trong năm 2022, “cơn sốt” này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo VN-Index năm 2022 sẽ dao động trong khoảng 1.340 – 1.730 điểm, số lượng tài khoản mở mới sẽ dao động trong khoảng 1,44 – 1,98 triệu tài khoản. Theo đó, lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ trong năm 2022.

"Cơn sốt" chứng khoán năm 2022: Nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn
Nhiều nhà đầu tư F0 từ các ngành nghề đều “lấn sân” chứng khoán vào mùa dịch

Giải thích về điều này, các chuyên gia của VDSC cho biết, mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong hai năm 2020 – 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022.

Đồng quan điểm về xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 nhờ lực đỡ từ dòng vốn ngoại cũng như yếu tố tích cực, sự hồi phục trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Theo dự báo của HSBC, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 lên mức 1.850 điểm nhờ năng lực thị trường cải thiện nhờ hệ thống công nghệ mới và vốn ngoại.

Nếu như trước đây, thị trường Việt Nam bị đánh giá là quá nhỏ để thu hút các khoản đầu tư nước ngoài lớn, nhưng thực tế hiện tại đang cho thấy, giá trị giao dịch bình quân ngày của thị trường đã tăng trưởng và tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Tính đến cuối năm 2021, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 39.000 tài khoản, tăng hơn 11% so với cuối năm 2020.

Nhiều rủi ro, nhà đầu tư ngày càng thận trọng

Quả thực, đã và đang có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân gặt hái được thắng lợi với thị trường chứng khoán, tuy nhiên không hẳn cơ hội này dành cho tất cả.

Các chuyên gia của VDSC đánh giá, thị trường chứng khoán 2022 sẽ “nhạy cảm hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực”. Đó có thể là những thông tin về tình hình lạm phát (xăng tăng giá, vật giá tăng), sự xuất hiện của các chủng virus mới có khả năng kháng vaccines là lây lan mạnh, xung đột giữa Nga – Ukraine, Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu góp phần khiến VN-Index tăng trưởng chậm hơn,…

Nhìn chung, các biến động về địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán quốc tế cũng như tại Việt Nam. Thị trường Việt Nam cũng đối mặt với áp lực lớn hơn bởi số lượng lớn các nhà đầu tư F0 còn thiếu nhiều kinh nghiệm và kiến thức để vượt qua những giai đoạn biến động bất thường.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, còn đánh giá rằng “nếu trong trường hợp căng thẳng địa chính trị còn kéo dài thì thị trường sẽ đi ngang trong suốt tháng 3”.

Trong bối cảnh đó, Báo cáo chiến lược mới công bố của Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, thị trường đang phản ánh tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư trước các rủi ro bên ngoài đang gia tăng, đặc biệt khi giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang chạm mức cao kỷ lục. Đáng nói, diễn biến thực tế cũng cho thấy, dù VN-Index tăng điểm nhưng thanh khoản lại có xu hướng giảm, khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán băn khoăn, e dè quyết định giao dịch trong giai đoạn này.

"Cơn sốt" chứng khoán năm 2022: Nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn
Nhà đầu tư sẽ ngày càng cẩn trọng hơn trong năm 2022 (Ảnh minh hoạ - Ảnh: VTV)

Kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục trong 2 tháng đầu năm 2022, với nhóm bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong 3 tháng liên tiếp. Vốn FDI giải ngân vẫn khả quan nhưng thu hút FDI mới suy giảm trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu cũng duy trì được đà hồi phục khi các doanh nghiệp, nhà máy khôi phục hoạt động với công suất đang dần quay trở lại mức trước dịch, đi kèm với nhu cầu nội địa và các thị trường xuất khẩu phục hồi.

Biểu hiện là VN-Index đã duy trì được xu hướng tăng giá kể từ tháng 7 năm ngoái nhưng đã có 4 tuần đi ngang trong vùng biên độ ngắn 1.488 - 1.515 điểm. Ước tính, trong tháng 2, VN-Index đã chỉ tăng khoảng 1% so với tháng trước đó. Trong bối cảnh đó, các công ty chứng khoán dự đoán rằng VN-Index vẫn sẽ giữ được xu hướng tăng giá nhưng sẽ chỉ tăng chậm, và nhóm ngành dẫn dắt chưa quá rõ ràng.

Đáng chú ý, trong tháng 2, ngân hàng và bất động sản giảm điểm mạnh nhưng ngành nguyên vật liệu tăng giá đáng kể trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao như thép, phân bón và hóa chất, cao su. Nhóm dầu khí, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng, may mặc và trang sức, vận tải cũng đang thu hút dòng tiền tốt.

"Cơn sốt" chứng khoán năm 2022: Nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn
Thị trường chứng khoán năm 2022 đứng trước nhiều rủi ro

Dù vậy cũng có nhiều điểm tích cực đáng chú ý đang tác động đến thị trường chứng khoán trong nước, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Ví dụ nhãn tiền chính là vào ngày 15/3, Chính phủ cho mở lại hoàn toàn du lịch, điều này giúp hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình hồi phục kinh tế nói chung cũng như tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp liên quan nói riêng. Các chuyên gia dự đoán, sự kiện này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch, và vận tải du lịch mà còn cải thiện được vị trí của họ trên thị trường chứng khoán.

Theo các chuyên gia của SSI Research, đối với nhóm du lịch, lữ hành, các cổ phiếu đáng chú ý gồm có: VTD, VNG, CTC, TCT; đối với nhóm lưu trú du lịch, các cổ phiếu được theo dõi nhiều có thể bao gồm: DAH, OCH, NVT; đối với nhóm vận tải du lịch, các cổ phiếu có thể hưởng lợi gồm có: HVN, VJC, SKG, SRT, HRT. Ngoài ra, SSI Research đánh giá đại diện đầu ngành của nhóm dịch vụ hàng không là ACV cũng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ xu hướng “hồi sinh” du lịch.

Bên cạnh đó, những cải cách pháp lý và cải cách thị trường quan trọng trong năm 2021 là minh chứng cho thấy Chính phủ đã lắng nghe các phản hồi từ cộng đồng đầu tư nước ngoài. Đáng nói, Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp để thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, nhằm đạt mục tiêu 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025.