Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản… còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm, lãng phí tài nguyên đất đai, khoáng sản...; tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án đã nhiều năm nhưng chưa được giao đất, giao nhà ở gây bức xúc trong nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhận định thị trường quyền sử dụng đất có dấu hiệu bất ổn. Hiện tượng những sai phạm trong đấu giá đất, hiện tượng môi giới bất động sản liên kết với nhau đẩy giá đất lên cao, gây sốt đất và làm bất ổn thị trường, chúng tôi đề nghị cần phải có giải pháp để giải quyết tình trạng này. Đồng thời, việc sử dụng đất đai còn có lãng phí, nhiều nơi đất đai để lâu không đưa vào sử dụng. Khiếu nại tố cáo về đất còn nhiều và diễn biến phức tạp, chiếm gần 70% trong tổng số các khiếu nại.

co-dat.jpg

Cử tri lo lắng về hoạt động của thị trường bất động sản…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ, đất nền vùng ven tại một số nơi tăng nóng lên cao gấp 2 đến 3 lần, thậm chí tới 5 lần trong vòng 1 năm. Nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu là hoạt động đầu cơ. Việc thị trường bất động sản phát triển nóng có tính chất đầu cơ sẽ dẫn đến khuyến khích người dân, doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ rủi ro, nợ xấu cho ngân hàng thương mại sẽ gia tăng khi thị trường có biến động.

“Có ý kiến cho rằng việc tổ chức cá nhân tăng cường đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản cho thấy cầu tiêu dùng yếu. Việc mở rộng sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, góp phần tạo thêm bong bóng giá chứng khoán và bất động sản”, bà Thanh nêu.

Nhấn mạnh đây là vấn đề cần phải quan tâm, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết thêm, lượng vốn lớn đổ vào kinh doanh chứng khoán và bất động sản lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản lên tới 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản chiếm tới 20,11% dư nợ toàn hệ thống. Kinh doanh chứng khoán và bất động sản trong năm 2021 cũng những linh vực kinh tế có tỷ trọng nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng.

co-dat3.jpg

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Cùng vấn đề quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, xử lý những vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể như tình trạng cố tình đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi, hiện tượng cò đất, thổi giá đất làm bất ổn thị trường, việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát ngân sách nhà nước, hiệu quả sử dụng đất ở các dự án đang có nhiều hạn chế. Các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ trống gây lãng phí…

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản là một trong những biện pháp để giảm lượng tiền trong lĩnh vực này, từ đó đưa thị trường bất động sản về đúng giá trị thực, tránh tình trạng bong bóng bất động sản, tránh nguy cơ gây khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và lĩnh vực tài chính – tiền tệ.

Động thái này còn góp phần thanh lọc được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và kinh doanh tràn lan. Tuy nhiên, cần có các biện pháp để thị trường bất động sản có thể hồi phục và phát triển, đáp ứng nhu cầu hồi phục và tăng trưởng của các ngành kinh tế quốc dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng cần xem xét mức độ tín dụng bất động sản một cách linh hoạt, phù hợp với từng ngân hàng thương mại và từng dự án, không nên quy định một tỷ lệ 8% chung cho tất cả các ngân hàng thương mại. Lý do là các ngân hàng thương mại sẽ là người xem xét hiệu quả, khả năng hoàn vốn và thu lợi nhuận của các khoản cho vay, khả năng chịu đựng rủi ro của bản thân ngân hàng thương mại.

Đồng thời cần đẩy mạnh việc cho vay tín dụng với các dự án căn hộ chung cư bình dân, căn hộ chung cư trung cấp, chính sách tín dụng ưu đãi với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, nhu cầu thu hút lực lượng lao động cho các khu công nghiệp, các khu kinh tế trọng điểm, là đầu tàu phát triển của các vùng và của cả nền kinh tế.

co-dat-2.jpg

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cần đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sớm có sản phẩm bất động sản đưa ra thị trường trong một thời gian phù hợp. Đặc biệt, cần quan tâm cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đang trong quá trình thực thi và chuẩn bị đưa sản phẩm bất động sản cung cấp cho thị trường.

“Đây là điều cần thiết và quan trọng vì nếu nguồn cung hàng hóa bất động sản không đáp ứng được sự tăng lên của nhu cầu sẽ đẩy giá bất động sản tăng lên và tạo ra rất nhiều hệ lụy. Như vậy vẫn rất cần cung cấp nguồn vốn vay cho thị trường bất động sản, nhưng cần có sự chọn lọc phù hợp”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhấn mạnh cần cung cấp vốn vay cho những người có nhu cầu mua nhà thực để ở, đặc biệt là những người mua nhà lần đầu. Điều này không hề trái với mong muốn thanh lọc thị trường bất động sản, làm cho thị trường bất động sản giảm bớt nhà đầu cơ, giảm bớt người kinh doanh chộp giật, mà chỉ còn người có nhu cầu thực, cần vốn tín dụng thực.