CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng được khuyên “đi học lại về dịch tễ”.
CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng được khuyên “đi học lại về dịch tễ”.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Công nghệ giúp chung sống an toàn cùng Covid-19” do báo VnExpress tổ chức mới đây, CEO Bkav – Nguyễn Tử Quảng tự tin đã chuẩn bị sẵn các giải pháp đối phó với Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Ông Quảng hiện là Kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia.

Để giải quyết vấn đề chung sống an toàn cùng Covid-19, ông Quảng chia các tỉnh thành 2 nhóm gồm nhóm lây nhiễm (trên 100 ca mỗi ngày) và nhóm thấp hơn (vài chục hoặc 0 ca). “Với các tỉnh có vài chục ca nhiễm, để sống chung với Covid-19 cần phát hiện các ca chỉ điểm của ổ dịch mới. Như một hệ thống radar, cần phát hiện được ‘địch’ để tiến hành biện pháp tấn công”, ông Quảng trình bày.

Theo ông, thống kê cho thấy khoảng 15% người nhiễm Covid-19 sẽ trở nặng và cần thực hiện chốt chặn tại bệnh viện, ai có triệu chứng đều được xét nghiệm. “Tại mỗi ổ dịch, cứ 9 người nhiễm thì 1 người vào viện. Chốt chặn tại các bệnh viện sẽ tìm được những ca chỉ điểm này từ đó truy vết khẩn trương, vét được cả ổ dịch với thời gian tính bằng ngày chứ không phải bằng tuần như trước”, Kiến trúc sư trưởng khẳng định.

Lãnh đạo Bkav cũng dẫn thống kê rằng khoảng 89% người từ F1 thành F0 rất thân cận với F0 gốc nhưng 11% còn lại khó do họ có thể là người tiếp xúc nơi công cộng. Để truy được 11% này, ông Quảng đưa ra 2 giải pháp gồm hệ thống quét mã QR tại nơi công cộng và cài phần mềm phát hiện tiếp xúc gần. Sau khi tìm ra F1, thông tin sẽ được đưa lên hệ thống để phân tích, đẩy về cho các đội truy vết địa phương.

“Kết hợp với các công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được dịch bệnh như năm ngoái. Ở Việt Nam, những tỉnh lây nhiễm nhiều chiếm khoảng 17% dân số. Tôi tin sắp tới chúng ta sẽ xử lý được và trở về trạng thái bình thường mới”, ông Quảng khẳng định.

Nhưng đó chỉ là lời giải cho bài toán của năm ngoái, theo như cách nhìn nhận của chuyên gia Nguyễn Thế Trung – Chủ tịch công ty công nghệ DTT kiêm Giám đốc điều hành đề án tri thức Việt số hóa (Itrithuc). Ông Trung đang là Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Vị chuyên gia cho rằng giải pháp của ông Quảng đưa ra rất lo ngại. “Cách làm như thế tôi nói thật là sẽ hỏng trong giai đoạn tới. Bài tập tính bao nhiêu F1, F0 chỉ đúng cách đây 1 năm. Chúng tôi từng làm truy vết. Nhưng chuyện đấy cổ lắm rồi, không thể tồn tại khi dịch đã chuyển sang giai đoạn nội sinh - khái niệm dịch tễ chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ”, ông Trung nêu quan điểm. Lãnh đạo của DTT đang tham gia nghiên cứu dịch tễ cùng các giáo sư hàng đầu Việt Nam như Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển – Nguyên Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam…

Ông Trung cũng nêu ví dụ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn tham khảo ý kiến chuyên môn và nói rằng người làm công nghệ phải học theo các khái niệm chuyên môn.

Ông Nguyễn Tử Quảng giới thiệu sản phẩm máy thở do Bkav sản xuất tại một hội nghị phòng chống dịch Covid-19 mới đây. Ảnh: Bkav
Ông Nguyễn Tử Quảng giới thiệu sản phẩm máy thở do Bkav sản xuất tại một hội nghị phòng chống dịch Covid-19 mới đây. Ảnh: Bkav

Theo ông Nguyễn Thế Trung, chủng Delta hiện nay không thể “bắt” được hết F1 vì đặc tính lây thoáng qua và điều nguy hiểm hơn cả là lây trước khi F0 phát ra triệu chứng. “Bài toán của anh Quảng đưa ra giải cách đây 1 năm, chúng tôi giải trọn vẹn thành công. Còn khi dịch đã nội sinh thế này, đừng đặt bài toán ấy ra nữa. Phải dùng phương pháp 80-20, đừng dùng 100-0”, ông nói.

Trong tình hình hiện nay, ông cho rằng cần tìm bài toán khó (20%) và dồn công sức để giải, mang lại hiệu quả cho 80%, đồng thời chấp nhận rủi ro nhất định. Những quốc gia như Israel, Singapore… có đầy đủ công nghệ vẫn đang tìm cách giải quyết bài toán 80-20, không phải 100% và đây cũng là điển hình mà ông Trung cùng các đồng nghiệp đang nghiên cứu.

“Tôi tha thiết đề nghị Trung tâm chỗ anh Quảng nên đi học lại về dịch tễ của chủng Delta và chiến lược của các nước đang làm”, ông Trung khẳng khái nói.

Bkav từng tuyên bố nhiều đề xuất khác nhau, nhưng trong số này mới có ứng dụng Bluezone dùng để khai báo y tế và phát hiện ca nhiễm ở gần được đưa vào sử dụng đại chúng. Dẫu vậy, ứng dụng này cũng bị nhiều người đánh giá thấp vì không hiệu quả, gây tốn pin điện thoại và dần chuyển sang các phần mềm do cơ quan y tế cung cấp như Sổ sức khỏe điện tử (Bộ Y tế phát hành), NCOVI (của Cục Tin học Hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông)…

Các dự án khác như xét nghiệm Covid-19 bằng súc miệng nước muối cho kết quả chỉ trong 10 giây tuyên bố từ tháng 6/2021 tới nay vẫn chưa có bước tiến nào mới, dù Bkav từng tuyên bố sẽ công bố kết quả chính thức trong cùng tháng. Toàn quốc hiện vẫn sử dụng các phương pháp xét nghiệm Covid truyền thống với bộ kit thử và đang bước dần tới giai đoạn nới lỏng giãn cách, dần đưa cuộc sống bình thường trở lại sau khi đạt được tỉ lệ tiêm chủng toàn dân nhất định.

Một dự án khác có phần tiến triển hơn là máy trợ thở do Bkav nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Thiết bị này từng được hãng hứa hẹn từ đợt dịch đầu tiên (tháng 4/2020) và tới tận tháng 8/2021 mới có cập nhật về việc thử nghiệm thành công, đạt các tiêu chuẩn đo kiểm. Lãnh đạo Bkav khi đó cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm được cấp phép lưu hành trong thực tế, đồng thời khẳng định sẽ bán phi lợi nhuận. Nhưng đã hơn một tháng trôi qua, sản phẩm này lại tiếp tục “im lặng”.

Cùng thời điểm tuyên bố về dự án máy thở hỗ trợ điều trị Covid-19 cho bệnh nhân giúp bổ sung thiết bị cho hệ thống y tế, một tập đoàn khác của Việt Nam đã trao hàng nghìn máy thở cho Bộ Y Tế chỉ ít tháng sau khi tuyên bố quyết định.