Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 20/10/2022, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và phân định phù hợp với hoạt động của các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.
Ủy ban Kinh tế thống nhất việc quy định các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên cần nghiên cứu bao quát cả các lĩnh vực khác thuộc đối tượng báo cáo nhưng chưa được quy định các dấu hiệu đáng ngờ cụ thể (như lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, kinh doanh kim loại quý, đá quý…).
Mặt khác, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ. Ví dụ như: một số dấu hiệu "tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường"; "Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với bên mua bảo hiểm"; "Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn"… Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bảo đảm hợp lý và khả thi.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Lao Động |
Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về "dịch vụ khác" (tại khoản 1) gắn với chủ thể là Bộ Tài chính hay gắn với hoạt động "trò chơi có thưởng". Nếu gắn với hoạt động "trò chơi có thưởng trừ trò chơi trên mạng viễn thông, mạng internet và dịch vụ khác" thì cần xác định nội dung về dịch vụ khác sẽ thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị hay bộ, ngành nào để bảo đảm minh bạch, rõ ràng trong quá trình triển khai, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ vì đây là cơ quan có trách nhiệm thực thi chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tham nhũng. Đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường do liên quan đến phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực đất đai, bất động sản.
Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản; mua, bán sáp nhập doanh nghiệp...
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng bày tỏ quan điểm: Có lẽ với người dân việc giao dịch mua bán, thanh toán, chuyển khoản qua ngân hàng đã trở nên phổ biến, tiện lợi khi giao dịch. Đối với Doanh nghiệp thì các quy định về luật quản lý thuế cũng đã bắt buộc phải thanh toán quan ngân hàng đối với giao dịch trên 20 triệu đồng.
Xu hướng chung sẽ sử dụng phương thức thanh toán qua Ngân hàng sẽ trở nên phổ biến và thông dụng. Đặc biệt là việc thanh toán qua Ngân hàng làm cho tính minh bạch, rõ ràng, hạn chế được rất nhiều tiêu cực.
Việc ban hành các quy định về giao dịch mua bán nhà đất qua ngân hàng xuất phát từ thực trạng trốn thuế khi giao dịch mua bán nhà đất, kê khai giá bán nhà đất thấp hơn thực tế. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người bán là cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân, còn doanh nghiệp bất động sản đóng 20% trên thu nhập và còn nhiều loại phí, lệ phí khác.
|
Có nên bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng?. Ảnh TTB |
Tuy nhiên, không ít trường hợp đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, hoặc có hiện tượng ký 2 hợp đồng ghi giá khác nhau nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Nếu quy định bắt buộc thanh toán mua bán Bất động sản qua Ngân hàng, chúng ta sẽ thấy một số tác dụng rất tốt như:
Đảm bảo an toàn cho các bên mua bán trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán, các bên dễ dàng có chứng cứ chứng minh việc thanh toán. Hạn chế được các phát sinh về tranh chấp giá, thanh toán...
Minh bạch, rõ ràng về các thỏa thuận giá trị mua bán với cơ quan nhà nước khi có yêu cầu chứng minh, giải trình thỏa thuận giá bán của các cơ quan như Thuế, Công an kinh tế ...
Có ý nghĩa trong việc thống kế, nắm được giá trị thực tế bất động sản đang giao dịch. Cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, người dân sẽ nắm bắt kịp thời giá cả, biến động đất trong khu vực.
Góp phần hạn chế một phần tình trạng khai khống giá, trốn thuế khi giao dịch Bất động sản.
Bên cạnh đó, Luật sư Hùng cũng chỉ ra những khó khăn khi áp dụng quy định này như sau: Khi thực hiện phương án này trong thực tế vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định trong hoàn cảnh hiện nay. Vấn đề này có thể do khách quan, chủ quan, điều kiện kinh tế, xã hội, quy định pháp luật hiện hành và rất nhiều vấn đề khác nếu như triển khai quy định bắt buộc thanh toán mua bán Bất động sản qua Ngân hàng. Cụ thể:
Mặt bằng chung về dân trí, điều kiện áp dụng, tính phổ biến của Ngân hàng cũng chưa thể bao phủ khắp mọi miền đất nước, nhất là các vùng núi, vùng cao, đặc biệt khó khăn... Người dân một số vùng miền nông thôn, vùng xa chưa đủ điều kiện để tiếp cận, sử dụng phương thức thanh toán online qua hệ thống ngân hàng.
Thói quen thanh toán tiền mặt của Người dân khi thực hiện các giao dịch thanh toán tiền.
|
Đề nghị bắt buộc giao dịch qua ngân hàng khi mua, bán, cho thuê bất động sản. Ảnh minh họa |
Tính bảo mật về thông tin rất dễ dò rỉ, khiến cho các thông tin mua bán các bên dễ bị bán ra ngoài. Nhiều khi gây ảnh hưởng rất lớn đến các bên mua bán.
Để áp dụng được quy định này cũng cần phải sửa đổi, bổ sung, đồng bộ rất nhiều hệ thống văn bản luật: Luật Dân sự, đất đai, thuế ....
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ hiệu quả, rõ ràng đây cũng là một phương án rất đáng để quan tâm, lưu ý để nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn. Hy vọng rằng, với sự phát triển của xã hội, nhất là thay đổi tư duy, phương thức thanh toán thì người dân có thể chấp nhận, sẵn sàng sử dụng phương thức thanh toán qua Ngân hàng khi giao dịch Bất động sản.
https://sohuutritue.net.vn/chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-de-nghi-bat-buoc-giao-dich-qua-ngan-hang-khi-mua-ban-cho-thue-bat-dong-san-d150902.html