Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi.

Đây là phiên chất vấn đầu tiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Phiên chất vấn đầu tiên của Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV sáng 16/3.

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trước đây và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì lúc nào trong đầu mối xăng dầu cũng phải có dự trữ.

“Vấn đề quan trọng tôi hiểu là Đại biểu Quốc hội muốn Bộ Công Thương làm rõ khi đi kiểm tra, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu này có dự trữ khi lưu thông đúng với quy định của pháp luật không? Và nhất là các đầu mối này vừa làm dự trữ lưu thông vừa làm dự trữ quốc gia, vậy các thương nhân đầu mối có lẫn lộn dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không?”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, không thể nói một hai ngày mất nguồn cung mà không bán được xăng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương giải thích rõ việc dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định của pháp luật đang được thực hiện như thế nào,

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn, sáng 16/3.

Cùng với đó, thông tin liên quan đến chủ trương đấu giá 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia trong Báo cáo của Bộ Công Thương chưa nêu. Khi đấu giá mà giảm thuế thì giá khởi điểm đấu giá khi thiếu hụt về nguồn cung thế nào? Và khi đấu giá rồi, phương án bù nguồn cung của Bộ Công Thương sẽ thực hiện ra sao?

“Quan trọng nhất vẫn là nguồn cung, không để mất nguồn cung xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế. Vấn đề ở đây không chỉ là bù giá vì không có xăng mà bán sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi muốn Bộ trưởng Bộ Công Thương nói kỹ hơn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Về quy định dự trữ quốc gia, chúng ta có đủ lượng dự trữ từ 5-7 ngày. Sản lượng Việt Nam tiêu thụ mỗi tháng từ 1,8 triệu đến 1,9 triệu thùng. Hiện nay, do quốc gia chưa có hệ thống dự trữ xăng dầu riêng nên giao việc dự trữ này cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối.

“Đây là cơ chế bất hợp lý. Chúng tôi đã và đang có lộ trình trình cấp có thẩm quyền xem xét lại mô hình quản lý quỹ dự trữ này. Đồng thời, xem xét nâng cao hơn nữa mức dự trữ xăng dầu như Chủ tịch Quốc hội nói là phải được một vài tháng”, ông Diên nói.

Cũng theo ông Diên, đối với doanh nghiệp đầu mối, dự trữ bắt buộc trong cùng một kho xăng dầu đó thì rõ ràng đây là một ẩn số. Bộ Công Thương muốn sớm có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ doanh nghiệp đầu mối và doanh nhân phân phối. Cần tách bạch dự trữ quốc gia bằng tổng kho Nhà nước quản lý với dự trữ của doanh nghiệp bằng kho doanh nghiệp quản lý. Qua đó, việc kiểm soát vận hành của chúng ta sẽ tốt. Trong hoàn cảnh thế giới như hiện nay, chúng ta phải nghĩ đến việc dự trữ nhiều xăng dầu.

Ông Diên khẳng định việc đấu giá 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia thực chất là sự chuyển đổi chủng loại hàng dự trữ từ xăng RON 92 sang xăng RON 95. Xăng RON 92 giờ không thông dụng, mà là xăng RON 95. Việc đấu giá để chuyển đổi dòng sản phẩm dự trữ cho thông dụng hơn.

“Việc bán đấu giá 100 triệu lít xăng RON 92 không liên quan đến việc hỗ trợ nguồn cung cho thị trường như một số thông tin đã nêu. Chúng tôi khẳng định như vậy. Đây là việc làm bình thường, cũng giống như dự trữ lương thực. Đấu giá 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia thành công thì tiếp tục phải mua vào. Bộ Công Thương chỉ được giao cho việc đề xuất quy trình, còn thực hiện quy trình đấu giá sau này là các bộ chức năng. Chúng ta sẽ đấu giá công khai”, ông Diên cho biết.