Bộ Công thương: Cảnh giác với “đa cấp bất chính” hậu dịch Covid-19
Bộ Công thương cho biết thời gian qua, tình trạng kinh doanh theo phương thức đa cấp đã diễn biến phức tạp, có dấu hiệu biến tướng, tiềm ẩn các hành vi có tính chất lừa đảo. Một số tổ chức đa cấp giả mạo trang bị nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người để lôi kéo, kêu gọi các thành viên tham gia mạng lưới đa cấp phi pháp.
Theo ghi nhận, các địa phương lần lượt tháo bỏ giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng có dấu hiệu hoạt động trở lại. Điều mày không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2020 của các DN đạt khoảng 15.538 tỷ đồng, tăng hơn 2.863 tỷ đồng (tăng 22.8%) so với năm 2019. Trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các DN dành khoảng 36-37% để chi trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia. |
Trên thực tế, bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Theo quy định hiện nay, các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.
"Dấu hiệu" nhận diện với những hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng
Gần đây, nở rộ thủ đoạn lừa đảo người dùng Facebook bằng cách gửi tin nhắn mời chào mua hàng và thông báo trúng thưởng. Theo đó, các đối tượng thông qua tính năng Messenger để nhắn thông tin khuyến mại hoặc trúng thưởng đến người sử dụng Facebook. Sau đó, sẽ dẫn dụ người sử dụng Facebook truy cập các trang web giả mạo để điền thông tin nhận trả thưởng. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng sẽ dụ nạn nhân khai báo các thông tin cá nhân như số điện thoại, mật khẩu tài khoản Facebook, email, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng... hòng chiếm đoạt với mục đích xấu. |
Hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn
Bán hàng đa cấp chỉ là một hình thức bán hàng, phân phối hàng hóa, không phải là một hình thức đầu tư, do đó bạn cần cân nhắc khi nghe những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận. Bạn chỉ thực sự có thu nhập nếu bạn thực sự bán được hàng hóa và những người do bán giới thiệu bán được hàng hóa.
Chủ yếu tập trung tuyển dụng
Khi bạn được giới thiệu về một doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bạn cần quan sát các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp đó. Nếu doanh nghiệp đó chỉ chú trọng tổ chức các buổi tuyển dụng mà không tổ chức đào tạo bán hàng cho nhà phân phối thì bạn cần cẩn trọng.
Đối với một doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, việc tuyển dụng sẽ không có ý nghĩa gì, không mang lại lợi ích gì nếu những người được tuyển dụng không bán hàng. Bởi vì chỉ có bán hàng mới giúp hàng hóa được tiêu thụ, mang về doanh thu cho doanh nghiệp, và từ đó nhà phân phối được trả hoa hồng.
Khi tuyển dụng, doanh nghiệp bằng các cách khác nhau khiến người tham gia mua hàng hoặc đóng tiền.
Khi bạn được mời tham gia một doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần lưu ý, việc tiêu dùng hoặc bán hàng hóa của doanh nghiệp là tùy thuộc nhu cầu, khả năng của bản thân, doanh nghiệp không được tìm cách làm cho bạn phải bỏ tiền ra mua để được tham gia.
Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và cũng dùng khoản này để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng.
Những doanh nghiệp như vậy sẽ không tồn tại được khi không tuyển thêm được người hoặc khi người được tuyển không mua hàng, vì họ không chú trọng bán hàng, không có nguồn doanh thu từ việc tiêu thụ hàng hóa.
Sản phẩm không tốt
Bản chất của hoạt động bán hàng đa cấp là giới thiệu, chia sẻ về các sản phẩm chất lượng tốt để bán các sản phẩm đó cho người tiêu dùng. Như vậy, nếu sản phẩm không tốt thì bạn không có gì để giới thiệu, chia sẻ và do đó sẽ khó bán được hàng, khó có thể kiếm được tiền hoa hồng.
Không chú trọng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm
Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng. Do đó, một doanh nghiệp được gọi là doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không chú trọng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm thì bạn cần suy nghĩ doanh nghiệp đó có tồn tại được lâu dài hay không, và tồn tại dựa trên nguồn doanh thu nào.
Cả nước chỉ có 22 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp
Thống kê của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, không có doanh nghiệp nào được cấp mới giấy chứng nhận, không có doanh nghiệp nào chấm dứt hoạt động hay bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Hiện trên cả nước chỉ có 22 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp.
Theo thống kê, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2020 của các doanh nghiệp đạt khoảng 15.538 tỷ đồng, tăng hơn 2.863 tỷ đồng (tăng 22.8%) so với năm 2019. Trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán hàng đa đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 60% tổng doanh thu năm 2020. Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (trên 80%), và mỹ phẩm (khoảng 15%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 4,44%.
Danh sách 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp tại Việt Nam
1 | Công ty TNHH AMWAY Việt Nam |
2 | Công ty TNHH Unicity MarketingViệt Nam |
3 | Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam |
4 | Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam |
5 | Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội |
6 | Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam |
7 | Công ty TNHH Elken International Việt Nam |
8 | Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam |
9 | Công ty TNHH Perfect Global (Việt Nam) |
10 | Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam |
11 | Công ty TNHH Siberian Health Quốc Tế |
12 | Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt |
13 | Công ty TNHH Một Thành viên New Image Việt Nam |
14 | Công ty TNHH Best World Việt Nam (Công ty TNHH Liên kết triển vọng) |
15 | Công ty TNHH Người Lái xe Mặt Trời |
16 | Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam |
17 | Công ty TNHH Homeway Việt Nam |
18 | Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi |
19 | Công ty TNHH Oriflame Việt Nam |
20 | Công ty TNHH Gcoop Việt Nam |
21 | Công ty TNHH Seacret |
22 | Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam |