Khẩn trương tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, sẵn sàng ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra

Ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm. Việc triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, 126, 116 đạt gần 79,2 nghìn tỷ đồng cho 48,6 triệu lượt người lao động và 742,5 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh…

Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả toàn diện, đồng bộ ở các địa phương là rất đáng trân trọng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là cơ sở để chúng ta có khí thế hơn, tự tin hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm đạt kết quả tốt hơn thời gian tới, phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Về dự báo tình hình quý II, Thủ tướng yêu cầu phải xác định còn khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, nhất là liên quan tới giá cả, lạm phát, nguyên liệu đầu vào, thị trường biến động…, có những khó khăn chưa thể dự báo hết được, cộng với những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức đã được chỉ ra. Do đó, phải quyết tâm, quyết liệt, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Nghiên cứu, tham khảo quốc tế việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 và cho trẻ dưới 5 tuổi.
Khẩn trương tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiêm vét với trẻ em từ 12-17 tuổi. Ảnh minh họa

Đặc biệt, trong phân bổ và triển khai đầu tư công, Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với Trung ương, "chung tay phát triển hạ tầng", không trông chờ, ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng", rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý II năm 2022 như: Tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; Đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26.

Các bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện thật tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung, bảo đảm cao nhất an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Tiếp tục coi trọng công tác phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, an toàn.

Khẩn trương tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiêm vét với trẻ em từ 12-17 tuổi và các đối tượng chỉ định. Sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra.

Ngày 5/4: Có 54.995 ca COVID-19 mới

Tính từ 16h ngày 04/4 đến 16h ngày 05/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 54.995 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 54.995 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.280 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 38.040 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (5.199), Nghệ An (2.925), Phú Thọ (2.827), Bắc Giang (2.357), Yên Bái (2.280), Hà Giang (2.024), Bắc Kạn (1.990), Quảng Ninh (1.972), Đắk Lắk (1.901), Vĩnh Phúc (1.824), Lào Cai (1.766), Quảng Ngãi (1.504), Hưng Yên (1.398), Tuyên Quang (1.249), Hải Dương (1.248), Cao Bằng (1.233), TP. Hồ Chí Minh (1.158), Thái Bình (1.152), Quảng Bình (1.113), Thái Nguyên (963), Tây Ninh (940), Lâm Đồng (930), Sơn La (925), Lạng Sơn (876), Hòa Bình (832), Vĩnh Long (764), Bắc Ninh (731), Cà Mau (726), Quảng Trị (665), Lai Châu (662), Hà Tĩnh (633), Hà Nam (596), Bình Định (589), Đà Nẵng (586), Điện Biên (552), Đắk Nông (516), Bình Dương (514), Ninh Bình (496), Nam Định (467), Bình Phước (451), Phú Yên (393), Bà Rịa - Vũng Tàu (347), Hải Phòng (332), Thanh Hóa (322), Thừa Thiên Huế (317), Trà Vinh (280), Khánh Hòa (273), Quảng Nam (269), Bình Thuận (232), Bến Tre (145), An Giang (94), Bạc Liêu (94), Đồng Tháp (77), Long An (70), Kon Tum (51), Kiên Giang (44), Cần Thơ (43), Đồng Nai (38), Ninh Thuận (17), Hậu Giang (13), Tiền Giang (10).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 5/4.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 5/4.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-2.024), Hà Nội (-669), Bắc Giang (-292).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (+1.238), Bắc Kạn (+962), Quảng Ngãi (+877).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 65.600 ca/ngày.

Ngân sách đã bổ sung 913 tỷ đồng cho địa phương phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân

Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2022, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 913 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.

Bộ Tài chính cho biết, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 3/2022 ước đạt 132,1 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi quý I/2022 đạt 351,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tổng số chi trên, chi đầu tư phát triển ước đạt 61,5 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 29,8 nghìn tỷ đồng, bằng 28,8% dự toán, giảm 6,2%; chi thường xuyên ước đạt 259,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ năm 2021.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I/2022 được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Ca mắc mới COVID-19 trên cả nước giảm liên tục trong các ngày qua.
Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 913 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19...

Đặc biệt, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 913 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao 518,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương…) tăng khoảng 39,9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2022, các bộ, cơ quan trung ương đã tập trung phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao (đến hết tháng 3, tổng số vốn phân bổ đạt 97,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Đồng thời, vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao kế hoạch, ngoài ra một số dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng... nên tiến độ giải ngân vốn quý I chậm, nhất là vốn ngoài nước chỉ đạt gần 1% kế hoạch.

Có 04 bộ và 20 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 20% kế hoạch, trong khi 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 29/63 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới mức bình quân chung cả nước (11,03%), trong đó có 29 bộ, cơ quan chưa giải ngân số vốn được giao.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong quý I/2022 (tính đến ngày 25/3/2022), Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 41,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,85 năm, lãi suất bình quân 2,39%/năm.