Hơn 100 dự án bất động sản ở TP HCM 'đắp chiếu' vì nghẽn pháp lý

Thông tin từ UBND TP HCM, trong quý III/2022, Sở Xây dựng TP đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai cho 4 dự án với tổng cộng 2.144 căn nhà, giảm 200% số dự án so với quý trước.

Dự án được cấp phép mới trong quý chỉ có 2 dự án với quy mô 2.057 căn; 5 dự án nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị đang triển khai với quy mô 3.367 căn.

Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), hiện trên địa bàn TP có hơn 100 dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý cần các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.

Điển hình, dự án Dragon City (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) của Công ty CP địa ốc Phú Long vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Công ty Phú Long không thể triển khai dự án. Dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) của Công ty CP địa ốc Thảo Điền đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa triển khai vì thiếu thủ tục giao đất.

Hay dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 2) của Công ty Lê Thành, theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây TP, vị trí khu đất giai đoạn 2 thuộc quy hoạch đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được điều chỉnh quy hoạch cục bộ vì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời theo Luật Đầu tư mới thì chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình UBND TP chấp thuận đầu tư.

Hơn 100 dự án bất động sản ở TP.HCM 'đắp chiếu' vì nghẽn pháp lý. Ảnh minh họa
Hơn 100 dự án bất động sản ở TP.HCM 'đắp chiếu' vì nghẽn pháp lý. Ảnh minh họa

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện các dự án bất động sản bị vướng mắc do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có một nguyên nhân chủ yếu là do “vướng mắc, bất cập” của một số quy định của một số văn bản luật, văn bản dưới luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa liên thông, chưa sát thực tiễn đã và đang làm hạn chế sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản.

Qua thống kê của HoREA, nguồn cung nhà ở giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Nếu so sánh với năm 2017 là năm thị trường bất động sản TP.HCM có nguồn cung cao nhất với 42.991 căn nhà thì nguồn cung năm 2018 chỉ bằng 65,8%; năm 2019 chỉ bằng 53,6%; năm 2020 chỉ bằng 39,2%; năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2022 nguồn cung chỉ có 9.456 căn nhà, bằng 44 % so với 6 tháng đầu năm 2017.

Điều này cho thấy, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “giảm tốc”, trầm lắng; doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu; nhà đầu tư thứ cấp đang khó khăn.

“Việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật sẽ tháo gỡ ách tắc cho nhiều dự án bất động sản, nhà ở, giúp làm tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường, xử lý tình trạng khan hiếm nhà ở, mất cân đối cung - cầu nhà ở dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây, đáp ứng nhu cầu tạo lập nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở”, ông Châu nhận định.

Tất cả vướng mắc trên đang khiến cho thị trường bất động sản ách tắc, dự án nằm im, doanh nghiệp lâm vào khó khăn, giá nhà ngày càng tăng khiến người có nhu cầu nhà ở ngày càng khó với tới.

Trước tình trạng này, từ tháng 5/2022 đến nay, UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản giao các sở, ngành liên quan khẩn trương xem xét, kịp thời làm việc và hướng dẫn chủ đầu tư các dự án thực hiện theo quy định nhưng bế tắc của các dự án vẫn chưa thể tháo gỡ.

Thanh Hóa: Thành lập Cụm công nghiệp với vốn đầu tư 189 tỷ đồng

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà huyện Thiệu Hóa trên diện tích hơn 23ha, với tổng mức đầu tư 189 tỷ đồng.

Theo đó, Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà sẽ được triển khai tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa trên tổng diện tích khoảng 23,36 ha.

Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng chăn ga, thời trang may mặc và giày da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ (không được thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất, kho tàng có mức độ độc hại cấp I, cấp II theo quy định tại mục 2.5.1 của QCVN 01:2021/BXD; các dự án sản xuất giấy, bột giấy, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng).

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Lam Kinh. Tổng mức đầu tư Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà khoảng 189 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu: 48 tỷ đồng (chiếm 25,04%); vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác: 141 tỷ đồng (chiếm 74,06%).

Một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lao Động
Một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lao Động

Theo Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ tháng 11/2022 đến 01/2023 sẽ hoàn thành lập, phê duyệt hoàn thành thủ tục đấu nối giao thông. Thời gian tiếp theo, dự án sẽ hoàn thành lập và phê duyệt Trích đo địa chính hoặc Trích lục bản đồ địa chính; hoàn thành lập và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất; hoàn thành lập hồ sơ và phê duyệt chấp thuận thu hồi đất… Từ tháng 01/2025 - 3/2025: Hoàn thành công trình mời nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Từ năm 2025-2026 thu hút các nhà đầu tư lấp đầy khoảng 50%, đến hết năm 2026 lấp đầy khoảng 100% cụm công nghiệp này.

Để dự án Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà triển khai đúng tiến độ, UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Thiệu Hóa thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp. Lập hồ sơ, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thành lập hồ sơ, trình HĐND tỉnh Danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thẩm duyệt thiết kế cơ sở. Thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết kịp thời những công việc có liên quan đến Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa theo quy định hiện hành của pháp luật; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chậm chễ trong việc giải quyết hồ sơ cho đơn vị vì lý do chủ quan thuộc trách nhiệm của đơn vị, dẫn đến chậm tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Tin mới về siêu dự án tỷ đô khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, tỉnh Ninh Bình

Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình có văn bản đề nghị tạm dừng triển khai lập Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình có tổng mức đầu tư dự án khoảng 1-1,5 tỷ USD.

Đề nghị tạm dừng triển khai lập Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình do các Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình có đề xuất nhiều nội dung liên quan đến hệ thống đê khu vực sông Hoàng Long.

Sau khi xem xét, mới đây UBND tỉnh Ninh Bình đã có chỉ đạo về việc triển khai lập, thực hiện các quy hoạch liên quan đến siêu dự án này.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo quy hoạch rà soát phương án phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê lưu vực sông Hoàng Long có xem xét đến quy hoạch khu du lịch Kênh Gà, Vân Trình đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn tại Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 27/10/2022.

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo quy định.

Trong quá trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng, chống lũ nêu trên, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp hồ sơ, tài liệu quy hoạch, định hướng của tỉnh để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau khi Quy hoạch phòng chống lũ nêu trên được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phương án thực hiện Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình và tiếp tục thực hiện việc lập Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình theo quy định.

Liên quan đến dự án này, trước đó, vào tháng 2/2021, UBND tỉnh Ninh Bình có quyết định phê duyệt đồ án lập quy hoạch chung khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại địa bàn các xã Gia Lạc, Gia Minh, Gia Thịnh của huyện Gia Viễn và các xã Lạc Vân, Đức Long, Thượng Hòa, Gia Tường thuộc huyện Nho Quan.

Theo đồ án, quy mô quy hoạch khoảng 1.984ha, tổng mức đầu tư khoảng 1 - 1,5 tỷ USD, chia làm 4 giai đoạn.

Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình được chia thành 6 khu gồm: khu phức hợp thể thao nghỉ dưỡng phía Nam giáp đê sông Hoàng Long; khu công viên, mua sắm, nhà hàng và các thắng cảnh phía Tây Nam; khu công viên nước phía Bắc sông Hoàng Long; khu lòng hồ được tạo bởi sông Hoàng Long và hệ thống núi, các khu nghỉ dưỡng ven hồ nằm tại khu vực chân núi phía Đông và Đông Nam; khu nông trại công nghệ cao phía Đông Bắc và khu phức hợp thể thao nghỉ dưỡng, trường đua xe, các khu nghỉ dưỡng phía Tây giáp sông Hoàng Long.

Về định hướng phát triển không gian mặt nước, sông Hoàng Long chạy từ Tây sang Đông qua khu vực dự án, được mở rộng tạo thành vùng hồ trong quy hoạch thoát lũ sông Hoàng Long, kết hợp với các dãy núi đá vôi tạo nên hình ảnh “Hạ Long trên cạn”.

Đây sẽ là khu du lịch tổng hợp gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, tâm linh, khám phá trải nghiệm, chữa bệnh, sự kiện, nghiên cứu, học tập,... gắn với cảnh quan thiên nhiên và hệ thống công trình di tích có giá trị đặc biệt.

Được biết, Công ty CP Bán đảo Kênh Gà được tỉnh Ninh Bình giao làm chủ đầu tư lập quy hoạch chung siêu dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình với tổng đầu tư cả tỷ USD.

Công ty CP Bán đảo Kênh Gà được thành lập từ tháng 2/2003, đăng ký trụ sở tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngành nghề kinh doanh chính là Dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch. Đến tháng 8/2017, pháp nhân này bất ngờ tăng mạnh vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Khu đất nghỉ dưỡng Chân Mây Villas tại Lâm Đồng có giá chỉ từ 4-5 triệu đồng/m2

Chân Mây Villas có vị trí tọa lạc tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Khu đất nằm ở đỉnh đồi biệt lập cách mực nước biển hơn 1000 m và liền kề thông qua các tuyến đường trọng điểm như Quốc lộ 20, Quốc 55, cao tốc Long Thành – Dầu Giây.

Chân Mây Villas có tổng diện tích 3,6 ha, được quy hoạch xây dựng với mô hình đất nền nghỉ dưỡng. Cung cấp ra thị trường 60 lô đất nền với diện tích đất lớn từ 500 – 800 m2.

Phối cảnh khu đất Chân Mây Villas được bao quanh bởi không gian xanh
Phối cảnh khu đất Chân Mây Villas.

Định hướng trở thành khu nghỉ dưỡng tách biệt thành phố, Chân Mây Villas hướng tới việc quy hoạch chuỗi tiện ích nội khu đáp ứng nhu cầu của du khách như khu BBQ, tiểu cảnh thẩm mỹ nội khu, công viên phục vụ cho trẻ em, bên cạnh đó còn được thừa hưởng khoảng xanh thoáng mát của núi rừng Bảo Lộc...

Từ khu đất Chân Mây Villas, cư dân thuận tiện di chuyển đến các địa danh nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng như: cách Thiền viện Linh Sơn 2,5 km, cách thác Suối Mơ 4 km, cách chùa Linh Quy Pháp Ấn 5,8 km, cách thành phố Bảo Lộc 14 km, cách đồi chè Tâm Châu 29 km, cách thác Dambri 34 km và cách tỉnh Bình Thuận đi qua Quốc lộ 55 khoảng 74 km.

Khu đất Chân Mây Villas Lâm Đồng được đầu tư và phát triển bởi Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Bất động sản Thịnh Vượng (Thịnh Vượng Corps). Doanh nghiệp được thành lập ngày 22/05/2017, đặt trụ sở tại 49A đường Đặng Văn Bi, khu Phố 6, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Các sản phẩm tại khu đất Chân Mây Villas đang được mở bán với mức giá chỉ từ 4 – 5 triệu đồng/m2.