Khánh Hòa không gia hạn cho các dự án quan trọng chậm tiến độ

Mới đây, trong báo cáo 10 tháng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thông tin, sẽ không thực hiện gia hạn cho bất kỳ dự án quan trọng, trọng điểm chậm tiến độ và sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Các dự án cần được hoàn thành đúng tiến độ và không được gia hạn bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang (cần đưa công trình vào hoạt động trong quý I/2023); Bệnh viện Ung bướu Khánh Hòa (đưa công trình vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2023), Tỉnh lộ 3, Đường Vành đai 2 (đưa công trình vào hoạt động trong tháng 10/2022); Nút giao Ngọc Hội (thông tuyến từ Diên Khánh đến Nha Trang trước Tết Nguyên đán 2023 và hoàn thành toàn tuyến trong năm 2023); Công trình trồng cây xanh trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2023).

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thông tin thêm, liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm quốc gia: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình cầu Xóm Bóng, thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn I) sử dụng vốn vay EDCF của Bộ Giao thông vận tải… tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Công trình thi công đập ngăn mặn trên sông Cái đang chậm tiến độ.
Công trình thi công đập ngăn mặn trên sông Cái đang chậm tiến độ. Ảnh: Người Lao động

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2022, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực.

Với những dự án trọng điểm của quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh tập trung chỉ đạo đôn đốc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo quy định, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang và cao tốc Buôn Ma Thuột- Khánh Hòa; trong đó, chú trọng quan tâm sinh kế, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án; phát triển nhà ở xã hội và triển khai thí điểm mô hình bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án bằng nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đến cuối tháng 10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn trên 3.600 tỷ đồng cho đầu tư công, so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh ước đạt 57,4%. Địa phương này đề nghị điều chuyển về ngân sách Trung ương gần 171,5 tỷ đồng do không còn nhu cầu sử dụng; trong đó, hơn 29 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA.

Quy hoạch chi tiết trường Đại học Ngoại ngữ hơn 43ha tại Hòa Lạc

Bộ Xây dựng vừa phê duyệt đề án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Ngoại ngữ (QG-HN10) thuộc dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội).

Theo đó, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội có vị trí phía Bắc giáp nút giao tuyến số 4 với tuyến số 1; khu vực các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học (QG-HN12); phía Đông giáp tuyến số 08, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và trường Đại học Kinh tế; phía Nam giáp tuyến số 5 và khu Trung tâm ĐHQG Hà Nội; phía Tây giáp tuyến đường số 1, khu cây xanh và Trường Đại học Y Dược.

Quy mô diện tích khu vực dự án quy hoạch khoảng: 43,5 ha, quy mô dự kiến 17.000 học viên và 1.734 cán bộ.

Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Ngoại ngữ.
Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Ngoại ngữ.

Theo quy hoạch, nhà điều hành trường ĐH Ngoại ngữ được xác định là điểm nhấn của cả khu vực, có hướng tiếp cận trung tâm, cao 9 tầng (có chiều cao lớn nhất trong phạm vi nghiên cứu). Là điểm kết thúc của trục cảnh quan kết nối với các trường Đại học Kinh tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Hình thái công trình theo hình thức kiến trúc hiện đại, hướng công trình là hướng mở về phía trục cảnh quan kết hợp với các khoảng sân, thảm cỏ tạo thành một không gian mở cho các hoạt động công cộng của khu vực này. Phía trước công trình là quảng trường chính, là nơi diễn ra các hoạt động nghi lễ, tập trung đông người của trường ĐH Ngoại ngữ. Phía sau bố trí hội trường 500 chỗ.

Bộ Xây dựng giao ĐHQG Hà Nội có trách nhiệm rà soát, quản lý chặt chẽ, kịp thời đề xuất khắc phục những phát sinh (nếu có) đảm bảo việc quản lý, phát triển phù hợp với các nội dung Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trường Đại học Ngoại ngữ (QG-HN10) thuộc dự án Đầu tư Xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc và các nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã được duyệt; lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định.

Bên cạnh đó, ĐHQG Hà Nội triển khai lập dự án đầu tư trên cơ sở Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trường Đại học Ngoại ngữ (QG-HN10) thuộc dự án Đầu tư Xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc được duyệt. Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, ĐHQG Hà Nội có trách nhiệm phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn vốn, đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho từng giai đoạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu giải quyết dứt điểm thủy điện 'chây ỳ' đền bù

Ngày 6/11, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản giao các đơn vị thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, trong đó có nội dung giải quyết đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thi công thủy điện.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công thương yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hỗ trợ kinh phí cho dân các thôn ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông bị ảnh hưởng do xây dựng Thủy điện Đắk Psi 2 theo đúng cam kết.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum cho biết, việc đền bù của các dự án thủy điện thì do UBND các huyện thực hiện. Hiện đơn vị đang giao phòng chuyên môn phối hợp với các huyện để rà soát, xem còn vướng mắc dự án nào thì sẽ xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đối với dự án Thủy điện Đắk Psi 2, UBND tỉnh Kon Tum nêu đích danh yêu cầu khẩn trương hỗ trợ cho dân xã Tê Xăng bị ảnh hưởng nói trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tu Mơ Rông cho biết, đến nay, chủ đầu tư chưa thanh toán tổng cộng 1,5 tỷ đồng, trong đó tiền bù, hỗ trợ cho dân là hơn 1,3 tỷ đồng, còn lại của các tổ chức khác.

Thuỷ điện Đắk Psi 2
Thuỷ điện Đắk Psi 2.

Theo ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, Thủy điện Đắk Psi 2 nợ tiền đền bù, hỗ trợ của dân từ năm 2020. Việc nợ tiền đền bù đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con. Dân mong muốn thủy điện sớm đền bù để ổn định sản xuất. Huyện, xã liên tục làm việc với thủy điện để yêu cầu đền bù cho người dân. Riêng xã, tuần nào giao ban, đơn vị cũng nhắc thủy điện đền bù nhưng thủy điện báo chưa vay được tiền.

Ngoài Thủy điện Đắk Psi 2, nhiều thủy điện khác trên địa bàn này cũng chậm trễ đền bù cho dân.

Cụ thể, Thủy điện Đắk Psi 5 (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai) và Thủy điện Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2 (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi) được xác định đã gây ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của người dân xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum vào năm 2020 (Báo SGGP Online đã có vệt bài phản ánh). Sở Công thương đã nhiều lần yêu cầu đền bù, ra “tối hậu thư” nếu các chủ đầu tư không phối hợp bồi thường, đơn vị này sẽ đề nghị xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của nhà máy thủy điện, nhưng đến nay, việc đền bù vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, theo ông Trần Thanh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Pxi, đến ngày 6-11, 2 chủ đầu tư thủy điện mới đền bù hơn 2,4 tỷ đồng cho 97 hộ. Còn 9 hộ dân chưa nhận tiền đền bù khoảng 1,3 tỷ đồng với lý do dân cho rằng số tiền đền bù này còn thấp.

Ngoài ra, Thủy điện Đắk Đrinh (xây dựng tại xã Đắk Nên, huyện Kon Plông) cũng chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án dù thủy điện đi vào hoạt động đã lâu.

Dự án khu dân cư Phúc Thạnh River 2 tại tỉnh Long An có giá 14 triệu đồng/m2

Dự án Khu dân cư Phúc Thạnh River 2 có vị trí tại đường TL 824, xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dự án Phúc Thạnh River 2 cách Thị trấn Đức Hòa 1 km, cách Thị trấn Bến Lức 22 km, cách Hóc Môn - TP. HCM 15 km.

Dự án Khu dân cư Phúc Thạnh River 2 có tổng diện tích 30.000 m2, diện tích cây xanh 2.108 m2 mật độ xây dựng 44%; dự án được phân thành 3 giai đoạn tổng sản phẩm 300 nền đất, có diện tích dao động từ 125 m2 – 160 m2. Hạ tầng dự án gồm đường trải nhựa 13 m, đường vào nội khu lộ giới 10 m, vỉa hè 3m, đèn điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh, hệ thống điện nước được đấu nối sẵn…

Tiện ích nội khu dự án Khu dân cư Phúc Thạnh River 2: Trung tâm thương Phúc Thạnh River, công viên cây xanh, khu phức hợp thể thao phòng Gym, sân bóng đá mini, hồ bơi, sân tennis, clubhouse…

Dự án khu dân cư Phúc Thạnh River 2 tại tỉnh Long An
Mặt bằng dự án khu dân cư Phúc Thạnh River 2 tại tỉnh Long An.

Tiện ích ngoại khu dự án Khu dân cư Phúc Thạnh River 2: Liền kề các cụm công nghiệp phát triển như khu công nghiệp Tân Đô, khu công nghiệp Hải Sơn, khu công nghiệp Hựu Thạnh.

Dự án Phúc Thạnh River 2 Long An Củ Chi do Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Việt Phúc làm chủ đầu tư, trụ sở chính đặt tại số 2A đường Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Việt Phúc được thành lập vào ngày 11/04/2019 do ông Nguyễn Tuấn Anh làm người đại diện pháp luật, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.

Các sản phẩm tại dự án Phúc Thạnh River 2 Long An có giá bán trên thị trường 14 triệu đồng/m2.