Các địa phương vào cuộc chặn 'thổi giá' nhà đất, siết phân lô bán nền

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo tỉnh Thanh Hóa, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đơn cử như cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, giá sản phẩm bất động sản nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch...

Do đó, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức lập, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn; thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là những dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; Chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá bán để trục lợi bất hợp pháp.

Thực hiện các biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách “phân lô bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán, giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan…

Tương tự, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông,... có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi, bán lại bất động sản.

Những hoạt động này đã gây “sốt ảo”, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường, gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường bất động sản của tỉnh, mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư.

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về kinh doanh bất động sản, xây dựng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND cấp huyện có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch và các quy định khác có liên quan…

Nhiều địa phương vào cuộc chấn chỉnh, ngăn chặn việc chia tách “phân lô bán nền”. Ảnh minh họa
Nhiều địa phương vào cuộc chấn chỉnh, ngăn chặn việc chia tách “phân lô bán nền”. Ảnh minh họa

Hay mới đây, UBND TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã có công văn bản yêu cầu rà soát lại tất cả các trường hợp hiến đất làm đường để ngăn chặn nạn phân lô, bán nền.

Theo đó, UBND TP. Nha Trang yêu cầu các phường, xã và đơn vị liên quan rà soát tất cả trường hợp đã hiến đất làm đường, bắt đầu từ đầu tháng 7/2014 đến nay. Sau đó, các đơn vị liên quan thống kê, báo cáo bằng văn bản cho thành phố (thông qua phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu), hoàn thành trước 15/11/2022.

UBND TP. Nha Trang cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản. Trong đó, các khu vực tự phân lô, bán nền trái quy định từ 28/4/2022 trở về trước nhưng chưa xử lý, các đơn vị liên quan lập hồ sơ xử lý, báo cáo thành phố trước 30/1/2023.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương tại tỉnh Khánh Hòa đã rà soát, siết chặt lại tình trạng hiến đất làm đường để phân lô, bán nền sai quy định. Trong quá trình thanh tra, tỉnh Khánh Hòa phát hiện một số địa phương có nhiều sai phạm, trong đó diễn ra rầm rộ tại huyện Cam Lâm. Huyện này đã cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để làm đường, tách 2.350 thửa đất (tổng diện tích hơn 57ha) gây ra nạn “phân lô, bán nền” tràn lan tại địa phương.

Trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết thời gian qua, tại nhiều địa phương có tình trạng mua, gom đất nông nghiệp hoặc người sử dụng đất có diện tích lớn thực hiện chia tách, chuyển mục đích sử dụng đất để bán (phân lô bán nền) trái phép.

Bộ TN&MT cũng đề cập đến hiện tượng lấn chiếm, chuyển đổi đất rừng trái phép, nhất là đối với các địa bàn gần thành phố lớn và khu du lịch, đô thị… gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh, xã hội.

“Tình trạng này có nguyên nhân là các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương buông lỏng quản lý, không thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng, dẫn đến các hành vi này còn phổ biến”, Bộ TN&MT nhấn mạnh…

Bộ TN&MT cũng cho biết, năm 2021, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra việc phân lô bán nền tại 3 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.

Thời gian tới, đơn vị cho biết tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật, nhất là trách nhiệm và chế tài xử lý nghiêm với người, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong quản lý đất đai thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng trái phép.

Được biết, Bộ TN-MT mới đây có công văn đến các tỉnh, thành về tăng cường quản lý nhà nước về đất đai.

Về thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất, Bộ TN-MT yêu cầu các địa phương tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối... để phân lô bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, công tác xác định giá đất, công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương…

Hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Sáng 27/10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn - ga Hà Nội trên địa bàn quận Đống Đa và Ba Đình.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, thực hiện Thông báo số 895 ngày 23/9 về kết luận của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại buổi kiểm tra việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Ban đã phối hợp với UBND quận Đống Đa, UBND các phường: Cát Linh, Quốc Tử Giám, Văn Chương, Văn Miếu hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tạm cư cho 30/30 hộ dân bị ảnh hưởng.

Trên địa bàn quận Ba Đình, Ban đã phối hợp với UBND quận Ba Đình, UBND phường Kim Mã chi trả cho 18/18 hộ dân. Tất cả hộ dân nhận tiền đều đã đồng thuận ký biên bản thỏa thuận tạm cư và bàn giao mặt bằng đúng thời hạn.

Đối với việc đề xuất xem xét hỗ trợ kinh phí thuê địa điểm làm trụ sở Công an phường Văn Chương (phần chênh lệch so với định mức chung), ngày 14/10/2022, quận Đống Đa đã ban hành quyết định về nội dung này. Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố đã chi trả tiền cho chủ sở hữu nhà ở, công trình cho thuê tại địa chỉ số 67 ngõ Lương Sử C (phường Văn Chương, quận Đống Đa).

Đối với việc xem xét bán 1 căn hộ tái định cư cho 1 hộ dân bị thu hồi đất tại ga S9, ngày 25/10/2022, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng và liên ngành thành phố bán 1 căn hộ trong quỹ nhà tái định cư của dự án cho hộ gia đình ông Phạm Văn Tuyên và bà Phạm Thị Huệ nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng ga S9.

Theo đó, quận Ba Đình và Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố sẽ thông báo đến hộ gia đình và tiến hành các thủ tục liên quan để bàn giao căn hộ trong thời gian sớm nhất.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nghe Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hà Nội báo cáo tiến độ triển khai ga S11. Ảnh: Trọng Đoàn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nghe Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hà Nội báo cáo tiến độ triển khai ga S11. Ảnh: Trọng Đoàn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp của Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố, 2 quận Đống Đa và Ba Đình trong triển khai các nội dung theo chỉ đạo tại các kết luận, thông báo của Thành ủy, đặc biệt đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tạm cư cho tất cả hộ dân bị ảnh hưởng, vượt tiến độ so với yêu cầu tại Thông báo số 895 của Thành ủy.

Bà Tuyến đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với quận Ba Đình khẩn trương tiến hành các thủ tục để bàn giao nhà tái định cư đối với gia đình ông Phạm Văn Tuyên và bà Phạm Thị Huệ, xong trong tháng 11/2022. Cùng với đó, các sở, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý đường sắt đô thị, các quận Ba Đình và Đống Đa trong việc nắm sát tình hình; tiếp tục tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình triển khai dự án.

Theo bà Tuyến, cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công phần đi ngầm, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố nghiên cứu, sớm đưa phần công trình đi nổi của dự án vào sử dụng, góp phần giải quyết vấn đề giao thông của Thủ đô.

Dừng đầu tư hai dự án điện mặt trời hơn 1.900 tỷ ở Quảng Ngãi

Ngày 27/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất không tiếp tục đề xuất dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh để trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thủ tướng xem xét, phê duyệt, trước tháng 12/2022.

Ông Minh giao Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương về việc dừng đề xuất hai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Đầm An Khê nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Đầm có diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất đo được 3,5 km, nơi rộng nhất khoảng 1 km. Đầm An Khê là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành Văn hóa Sa Huỳnh.

Trước đó, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi từng thống nhất chủ trương đầu tư hai dự án điện mặt trời có quy mô gần 60 ha, công suất thiết kế 100 MWp với tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng trên đầm An Khê... Tuy nhiên, chủ trương này không được người dân và các nhà khoa học đồng thuận.

Sắp mở bán phân khu biệt thự Đảo Dừa tại Vinhomes Ocean Park 2 The Empire

Dự án Phân khu biệt thự Đảo Dừa có vị trí nằm biệt lập bên công viên ven sông Silk Park, phía Tây Nam khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 tại xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Dự án Phân khu Đảo Dừa giáp ranh giới phía Bắc tuyến đường vành đai 3.5, nằm tại cửa ngõ lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Dự án Phân khu Đảo Dừa có tổng diện tích 24,6 ha; được chia làm 9 dãy từ Đảo Dừa 1 đến Đảo Dừa 9, quy mô 1.461 căn nhà ở thấp tầng gồm:

+ Biệt thự đơn lập Đảo Dừa có 68 căn, diện tích đất từ 168 m2 – 282,6 m2, mật độ xây dựng 45 – 50%, chiều cao 4 tầng, nằm dọc theo công viên ven sông Silk Park và hầu hết ô góc các trục đường nội khu Cọ Xanh.

+ Biệt thự song lập Đảo Dừa có 82 căn, diện tích từ 120 m2 – 180 m2, mật độ xây dựng 50 – 55%, chiều cao 4 tầng và 1 tum, nằm dọc theo các trục đường Đảo Dừa 3, Đảo Dừa 5, Đảo Dừa 8.

+ Biệt thự tứ lập Đảo Dừa có 328 căn, diện tích đất từ 120 m2 – 150 m2, mật độ xây dựng 55 – 60%, chiều cao 4 tầng + tum, nằm tại hầu các trục đường nội khu Đảo Dừa, đoạn gần công viên ven sông Silk Park.

+ Liền kề Đảo Dừa có 799 căn, diện tích đất từ 56 m2 – 140,1 m2, mật độ xây dựng 80 – 85%, chiều cao 5 tầng, nằm tại hầu hết các trục đường nội khu Đảo Dừa.

+ Shophouse Đảo Dừa có 184 căn, diện tích đất từ 80 m2 – 141.8 m2, mật độ xây dựng 80 – 85%, chiều cao 5 tầng, nằm dọc 2 tuyến đường Đại Dương 30 m và Đảo Dừa 9.

phân khu biệt thự Đảo Dùa tại Vinhomes Ocean Park 2 The Empire
Phối cảnh phân khu biệt thự Đảo Dùa tại Vinhomes Ocean Park 2 The Empire.

Tiện ích nội khu dự án Phân khu Đảo Dừa: Biển tạo sóng nhân tạo tại công viên Royal Wave Park, thác nước nhân tạo, công viên, BBQ, công viên trò chơi ngoài trời, vườn hoa Địa Trung Hải, sân chơi trẻ em, chuỗi sân thể thao đa dạng bộ môn, vườn trà, công viên dưỡng sinh…

Phân khu Đảo Dừa còn liên kết đến hệ thống trường Vinschool liên cấp, và một số các trường công lập khác, xung quanh là các lớp dịch vụ tiện ích riêng biệt, cảnh quan được tách biệt với 3 lớp an ninh.

Dự án Phân khu Đảo Dừa - Vinhomes Ocean Park 2 The Empire do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, có trụ sở chính tại tầng số 7, đường Bằng Lăng 1, khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Tập đoàn Vingroup thành lập ngày 03/05/2002, do ông Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch hội đồng quản trị, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đại lý, môi giới, đấu giá, xây dựng nhà để ở.

Tập đoàn Vingroup tiền thân của Vingroup là Tập đoàn Technocom, thành lập năm 1993 tại Ucraina. Đầu những năm 2000, Technocom trở về Việt Nam, tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược ban đầu là Vinpearl và Vincom.

Đến tháng 1/2012, Công ty Cổ phần Vincom và Công ty Cổ phần Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup.

Các sản phẩm biệt thự đơn lập nhà phố tại dự án Phân khu Đảo Dừa có giá bán từ 30 – 50 tỷ đồng, biệt thự tứ lập có giá bán từ 16 – 20 tỷ đồng, biệt thự song lập nhà phố có giá 22 – 34 tỷ đồng, các sản phẩm liền kề có giá bán từ 9 – 22 tỷ đồng.