Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành cơ bản các quy hoạch trong năm 2023

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, hướng dẫn các bộ, địa phương khẩn trương lập, thẩm định, hoàn thiện các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Đảm bảo hoàn thành cơ bản các quy hoạch trong năm 2023.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 25/5/2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chỉ thị nêu rõ, để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ phải khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác quy hoạch có nội dung chưa phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm trình tự, thủ tục, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch trình Chính phủ xem xét ban hành; tập trung nghiên cứu, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn trong quý II năm 2023.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật để khẩn trương trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảm đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật;

Tiếp tục nâng cấp xây dựng, hoàn thiện, quản lý, vận hành và khai thác Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về quy hoạch dùng chung, đảm bảo khoa học, đồng bộ, tránh lãng phí, phục vụ hiệu quả cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh, tổ chức thực hiện quy hoạch và giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành cơ bản các quy hoạch trong năm 2023. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành cơ bản các quy hoạch trong năm 2023. Ảnh minh họa

Về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cơ bản hoàn thành trong năm 2023 theo đúng kế hoạch và tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 tại Công văn số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022, trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch, trong đó cần tập trung:

Đối với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, khẩn trương tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; xây dựng, trình ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định; rà soát, chỉnh lý hồ sơ, đảm bảo thống nhất với quyết định được phê duyệt để cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại Điều 42 Luật Quy hoạch và quy định tại Điều 41 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Đối với các quy hoạch đã thẩm định xong đề nghị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đối với các quy hoạch đã trình thẩm định khẩn trương tổ chức thẩm định theo quy định.

Đối với các quy hoạch đang xây dựng hoặc đang lấy ý kiến khẩn trương tập trung bố trí mọi nguồn lực để sớm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định theo quy định.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất gắn với bố trí không gian phát triển theo hướng có thể xem xét bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất để đáp ứng với từng giai đoạn, nhu cầu của địa phương về không gian phát triển, báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, hướng dẫn các bộ, địa phương khẩn trương lập, thẩm định, hoàn thiện các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Theo dõi tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của các bộ, địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với các điều kiện thực tế nhằm hoàn thành cơ bản các quy hoạch trong năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung bố trí nguồn lực, đề xuất hoặc ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, địa phương; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương, đặc biệt ưu tiên hai thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết các vấn đề ách tắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và trong công tác quy hoạch.

Chuyển công an vụ cho Tập đoàn Mường Thanh thuê đất ở Tam Kỳ

Ngày 25/5, ông Nguyễn Đức Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam, cho biết đã chuyển thông tin sang công an tỉnh xem xét theo thẩm quyền về việc cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh (gọi tắt là Tập đoàn Mường Thanh) thuê khu đất để xây dựng dự án khu tổ hợp khách sạn, dịch vụ, thương mại tại phường An Xuân, TP Tam Kỳ.

Theo thông báo kết luận, Thanh tra tỉnh Quảng Nam xác định việc cho Tập đoàn Mường Thanh thuê đất đã được giải phóng mặt bằng (GPMB) không qua đấu giá để thực hiện dự án là không đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Luật Đất đai.

Xác định giá đất cụ thể làm cơ sở xác định đơn giá thuê đất từ ngày 16/9/2014 đến 16/9/2019 không đủ cơ sở, không có hồ sơ chứng minh, không đúng theo quy định của Nghị định 44/2014 của Chính phủ và Thông tư 36/2014 của Bộ TN&MT.

Các cơ quan chức năng không thu hồi tiền bồi thường, GPMB đã hình thành tài sản cố định hơn 18,6 tỉ đồng đối với Tập đoàn Mường Thanh là không đúng quy định.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho rằng việc xác định diện tích cho Tập đoàn Mường Thanh thuê chưa đúng diện tích thực tế khu đất (diện tích cho thuê lớn hơn diện tích thực tế 181,7 m2).

Về chấp hành quy định xây dựng, Sở Xây dựng quản lý xây dựng chưa chặt chẽ, không thanh tra, kiểm tra, để chủ đầu tư xây dựng công trình không đúng theo giấy phép xây dựng đã cấp.

Thanh tra tỉnh Quảng Nam kiến nghị Sở Tài chính tổ chức kiểm điểm đối với bộ phận chuyên môn và cá nhân có thiếu sót trong việc kiểm tra, đánh giá phương án đề xuất giá đất sản xuất, kinh doanh của UBND TP Tam Kỳ. Điều này dẫn đến việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm cơ sở xác định đơn giá thuê đất đối với Tập đoàn Mường Thanh không đủ cơ sở, không đúng quy định.

Dự án khu tổ hợp khách sạn, thương mại, dịch vụ Mường Thanh tại TP Tam Kỳ. Ảnh: TN
Dự án khu tổ hợp khách sạn, thương mại, dịch vụ Mường Thanh tại TP Tam Kỳ. Ảnh: TN

Sở Xây dựng tổ chức kiểm điểm bộ phận chuyên môn và các cá nhân liên quan thiếu sót trong quá trình thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng để chủ đầu tư xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng được cấp và xử lý theo thẩm quyền đối với Tập đoàn Mường Thanh về việc xây dựng không đúng theo giấy phép.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND TP Tam Kỳ và các đơn vị liên quan xác định lại giá đất cụ thể đối với khu đất cho Tập đoàn Mường Thanh thuê tại thời điểm cho thuê đất, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể để làm cơ sở xác định đơn giá thuê đúng quy định.

Đồng thời tham mưu, thực hiện các thủ tục để điều chỉnh giảm diện tích đất cho thuê đúng thực tế sử dụng, thực hiện các thủ tục về cho thuê đất đối với Tập đoàn Mường Thanh theo quy định pháp luật, gửi thông tin địa chính diện tích thực tế thuê đất, đơn giá thuê đất cho Cục Thuế tỉnh để thực hiện điều chỉnh tính tiền thuê đất hằng năm.

Sau khi Tập đoàn Mường Thanh nộp đủ số tiền bồi thường, GPMB hơn 18,6 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước và Sở TN&MT gửi thông tin địa chính của khu đất, Cục Thuế tỉnh thực hiện các thủ tục để khấu trừ chi phí bồi thường, GPMB cho doanh nghiệp theo chính sách giá đất thời kỳ cho thuê.

UBND TP Tam Kỳ tổ chức kiểm điểm tập thể lãnh đạo TP nhiệm kỳ 2010-2015 liên quan việc đề xuất giá đất sản xuất, kinh doanh đối với khu đất cho thuê không đủ cơ sở, không đúng quy định, không theo dõi, quản lý và báo cơ quan có thẩm quyền xử lý khoản chi phí bồi thường, GPMB khu đất đã hình thành tài sản cố định với số tiền 18,6 tỉ đồng.

Thanh tra tỉnh đề nghị Tập đoàn Mường Thanh nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh khoản chi phí bồi thường, GPMB đã hình thành tài sản cố định với số tiền 18,6 tỉ đồng.

Sau khi nộp tiền, đề nghị Tập đoàn Mường Thanh gửi thông tin cho Cục Thuế tỉnh để khấu trừ khoản chi phí này vào số tiền thuê đất hằng năm, thực hiện các thủ tục về thuê đất, kê khai tiền thuê đất theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Bộ Giao thông vẫn phản đối quy hoạch sân bay Gò Găng là sân bay dân dụng

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không Vũng Tàu tại Gò Găng vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, năm 2010, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương di dời sân bay Vũng Tàu về Gò Găng, do sân bay này nằm trong trung tâm của thành phố Vũng Tàu gây ảnh hưởng tới phát triển đô thị. Thủ tướng đã đồng ý chủ trương di dời sân bay Vũng Tàu và lập quy hoạch xây dựng mới sân bay tại Gò Găng.

Từ kết quả nghiên cứu, năm 2015, Cục Hàng không đề xuất sân bay Vũng Tàu tại Gò Găng có quy mô cấp 3C và có tính chất là sân bay chuyên dùng.

Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt tháng 2/2018 về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định chuyển giao cho Bộ Quốc phòng quản lý theo tính chất là sân bay chuyên dùng với các sân bay đã hoặc đang được quy hoạch nhưng không còn nằm trong hệ thống sân bay toàn quốc, trong đó có sân bay Vũng Tàu.

Theo Bộ GTVT, các dự báo khi lập quy hoạch hệ thống sân bay cả nước cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng không tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (không bao gồm sân bay Côn Đảo) tương đối cao: giai đoạn đến năm 2030 ước khoảng 14,7 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 ước khoảng 28,6 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, vị trí dự kiến bố trí sân bay Vũng Tàu tại Gò Găng rất gần với sân bay Long Thành. Với cự ly khoảng 45km có 99,43% dân số có thể tiếp cận tới sân bay Long Thành trong thời gian dưới 1 giờ đồng hồ.

Trong bối cảnh cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang đầu tư, sân bay Long Thành hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của Bà Rịa - Vũng Tàu.

 Sân bay Gò Găng
Phối cảnh sân bay Gò Găng.

Bên cạnh đó, nếu khai thác hàng không dân dụng thường lệ tại Gò Găng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực khai thác, điều hành bay và công suất của sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất.

Tính theo đường chim bay, vị trí sân bay Gò Găng cách sân bay Long Thành khoảng 39km, cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 66km. Nếu quy hoạch sân bay Gò Găng thành cảng hàng không khai thác công cộng thường lệ thì vị trí Gò Găng nằm trong vùng trời của sân bay Long Thành. Hiện nay, vùng trời xung quanh sân bay Gò Găng là vùng bay chờ của sân bay Tân Sơn Nhất, tập trung mật độ lớn máy bay dân dụng.

Vị trí sân bay Gò Găng cách TP Bà Rịa khoảng 14km về phía tây nam. Phương án quy hoạch dự kiến sân bay Gò Găng có đường băng hướng về trung tâm thành phố.

Nếu khai thác hàng không dân dụng tại sân bay Gò Găng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng quy hoạch, phát triển đô thị tại thành phố Bà Rịa do bị hạn chế về tĩnh không; ảnh hưởng môi trường, tiếng ồn với khu vực đô thị.

Theo Bộ Giao thông vận tải, sân bay Gò Găng được hình thành với mục đích khai thác chính là hoạt động bay trực thăng, bay taxi, khai thác du lịch, dầu khí. Tính chất hoạt động này phù hợp với mô hình sân bay chuyên dùng.

Với mô hình sân bay chuyên dùng, sân bay Gò Găng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu vận tải như nội dung đề xuất của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không ảnh hưởng tới phương án tổ chức vùng trời, công suất khai thác của các sân bay lân cận.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Bộ Quốc phòng để xác định vị trí và quy hoạch sân bay Gò Găng là sân bay chuyên dùng trong quy hoạch của tỉnh.

Dự án khu đô thị Flamingo Golden Hill tại Hà Nam

Flamingo Golden Hill có vị trí tọa lạc tại Quốc lộ 21A, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Dự án nằm trong quần thể du lịch tâm linh, đối diện chùa Tam Chúc, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45 phút di chuyển.

Flamingo Golden Hill có tổng diện tích 6,5 ha, là giai đoạn 1 của dự án có diện tích 130 ha tại Hà Nam. Dự án được thiết kế với mô hình khu đô thị với 181 sản phẩm bao gồm biệt thự và shophouse, được phân làm 2 phân khu The Day và The Night. Trong đó:

The Day: Là phân khu hoạt động kinh doanh thương mại với hoạt động du lịch ban ngày, sở hữu 84 sản phẩm bao gồm 66 căn shophouse và 18 căn biệt thự. Các sản phẩm shophouse có diện tích từ 105 – 120 – 127 – 144 – 207 m2 và biệt thự từ 180 – 190 m2, chiều cao 3,5 tầng.

The Night: Phân khu hướng đến các tiện ích và dịch vụ phục vụ phát triển về đêm, sở hữu 97 sản phẩm với 68 căn shophouse và 29 căn biệt thự. Mỗi căn shophouse có diện tích từ 105 – 120 – 154 – 259 m2 và các căn biệt thự có diện tích từ 180 – 312 m2, chiều cao 3,5 tầng.

Flamingo Golden Hill
Phối cảnh dự án Flamingo Golden Hill.

Tại dự án Flamingo Golden Hill, cư dân được thừa hưởng những tiện ích nội khu bao gồm: Hệ thống công viên, khu kinh doanh thương mại ngày và đêm, hệ thống suối cảnh quan, đường dạo bộ, hệ thống giải trí, club house…

Từ dự án, thuận tiện liên kết đến các địa điểm du lịch lân cận khác trong vùng như: Nằm ngay cạnh Khu du lịch chùa Tam Chúc, cách sân golf Kim Bảng Stone Valley Golf Resort 2 km, cách chùa Bà Đanh 6 km, cách Khu du lịch Hang Luồn 9 km, cách chùa Hương 11 km, cách đền Tiên Ông 15 km, cách chùa Long Đọi 24 km, cách Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long 40 km…

Chủ đầu tư dự án Flamingo Golden Hill Hà Nam là Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Flamingo (thành viên Flamingo Group), được thành lập ngày 28/05/2020, đặt trụ sở tại số 55 phố Tôn Thất Thiệp, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ngày 11/05/2023, chủ đầu tư và các đơn vị phát triển của dự án tổ chức lễ kick – off dự án Flamingo Golden Hill và lễ ký kết hợp tác với đơn vị phân phối dự án.

Các sản phẩm tại dự án Flamingo Golden Hill có mức giá bán từ 7,1 – 9,6 tỷ đồng/căn shophouse và 10,6 – 12,6 tỷ đồng/căn biệt thự.