Dừng hoạt động 37 dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP HCM

Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) TP HCM (Ban quản lý) vừa có báo cáo về kết quả hoạt động chín tháng đầu năm và kế hoạch đến cuối năm 2022.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, báo cáo cho biết ở các KCN - KCX TP HCM đã chấm dứt hoạt động 37 dự án (17 dự án nước ngoài với vốn đầu tư 61,4 triệu USD; 20 dự án trong nước với vốn đầu tư hơn 2.625 tỉ đồng).

Ngoài ra, Ban quản lý đã làm việc với các nhà đầu tư vi phạm về lĩnh vực đầu tư, chuyển thanh tra Sở KH&ĐT TP xử lý 15 trường hợp vi phạm, trong đó Sở KH&ĐT đã ban hành quyết định xử phạt hai trường hợp.

Nhằm xây dựng và triển khai Kế hoạch 759 ngày 30/3 về kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCX - KCN, cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra các doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định.

Dừng hoạt động 37 dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP HCM. Ảnh minh họa
Dừng hoạt động 37 dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP HCM. Ảnh minh họa

Theo đó, trong chín tháng đầu năm, Ban quản lý đã kiểm tra 26 DN. Ban quản lý đang xem xét, lập hồ sơ để chuyển thanh tra Sở KH&ĐT TP xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Về bảo vệ môi trường, Ban quản lý đã kiểm tra định kỳ 105 DN. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết DN tuân thủ quy định, chỉ có hai trường hợp bị xử lý vi phạm tại KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và KCX Tân Thuận (quận 7).

Về trật tự xây dựng, từ đầu năm, đã thực hiện 145 lượt kiểm tra hoạt động xây dựng các dự án công trình trong KCN - KCX. Kết quả cho thấy có 15 trường hợp vi phạm và đã được chuyển cho quận, huyện xử lý.

Ban quản lý cho biết tổng vốn đầu tư thu hút được trong chín tháng đầu năm nay đạt hơn 422 triệu USD (đạt 84,47% kế hoạch), tăng 3,05% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, quỹ đất thu hút đầu tư còn hạn chế, thiếu quỹ đất phục vụ cho thu hút đầu tư do các KCN hiện hữu dần lắp đầy hoặc đang gặp vướng mắc về xác định giá thuê đất với Nhà nước, hoặc chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Thủ tướng chấp thuận tách cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án độc lập

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 961 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc hoàn thiện thủ tục triển khai dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Theo đó, Thủ tướng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn và ý kiến của các bộ, ngành liên quan về việc tách dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ra khỏi dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục là cơ quan chủ quản để tổ chức thực hiện dự án thành phần 2 sau khi tách theo đúng các quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 172/TB – VPCP ngày 13/6/2022; chủ trì, phối hợp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của dự án thành phần 2 để hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục hợp đồng theo quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tranh chấp khiếu kiện; khẩn trương tổ chức hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.

Trước đó, vào tháng 8, UBND tỉnh Lạng Sơn có Công văn số 920/UBND - KT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục triển khai dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tại công văn này, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng cho phép tách dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, có mục tiêu kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cửa khẩu Hữu Nghị ra khỏi dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện dự án sau khi tách.

Do nhà đầu tư và các ngân hàng tài trợ gặp khó khăn về nguồn vốn nên cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tạm dừng từ năm 2019 đến nay.
Do nhà đầu tư và các ngân hàng tài trợ gặp khó khăn về nguồn vốn nên cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tạm dừng từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Báo Đầu tư

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tỉnh này và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của dự án thành phần 2 hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục hợp đồng.

Được biết, dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được phê duyệt vào năm 2018 gồm các dự án thành phần 1 (đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500) và dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng), sử dụng 100% vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn khác), xác định tổng mức đầu tư, các chỉ tiêu tài chính, dữ liệu và tính toán phương án tài chính, hoàn vốn đầu tư theo các dự án thành phần trên nguyên tắc độc lập, có sự chia sẻ, quản lý đồng bộ của toàn dự án.

Hiện nay, dự án thành phần 1 (đoạn Bắc Giang – Chi Lăng) hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành năm 2020 (không đề xuất điều chỉnh).

Trong khi đó, dự án thành phần 2 do nhà đầu tư và các ngân hàng tài trợ gặp khó khăn về nguồn vốn nên sau khi khởi động năm 2019 đã tạm dừng.

Đến nay, dự án thành phần 2 được cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng; đồng thời có một số ngân hàng cam kết tài trợ vốn, đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính của dự án.

Tuy nhiên, ngày 18/6/2020 Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) với nhiều quy định mới chặt chẽ về quản lý phần vốn nhà nước tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nếu tiếp tục thực hiện dự án như nội dung được phê duyệt thì cần thiết phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tuy nhiên, do dự án sử dụng nhiều nguồn vốn, có sự tham gia của ngân sách nhà nước, trải qua nhiều giai đoạn thực hiện và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau (trước và sau khi có Luật PPP) nên gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm

HĐND huyện Cam Lâm vừa ban hành Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.

Theo đó, HĐND huyện đề nghị UBND huyện và đơn vị tư vấn lưu ý các vấn đề sau: Về quy hoạch đất ở và tái định cư: Tăng diện tích đất ở tại các khu vực ngoại thị (phân khu 2, 5, 6 và 7) và cố gắng giữ nguyên trạng những khu vực dân cư hiện hữu, bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân nếu bị giải tỏa trong các phân khu này; xem xét tái định cư tại chỗ cho nhân dân, xác định cụ thể vị trí tái định cư, phân tích tác động của tái định cư tại chỗ và tái định cư nơi khác đối với từng phân khu theo quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, có phương án quy hoạch đất ở dự trữ cho các thế hệ sau này của người bị thu hồi đất. Về xây dựng tuyến kênh nước mặn: Cần đánh giá tác động môi trường về xâm nhập mặn và làm rõ giải pháp chống xâm nhập mặn…

Đơn vị tư vấn cần làm rõ lợi ích của người dân khi sống trong từng phân khu nói chung và của huyện Cam Lâm khi hình thành các phân khu theo Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm; cần quan tâm vấn đề mưu sinh của người dân sau tái định cư; có giải pháp cụ thể khi dân số gia tăng.

Dự án khu đô thị Thạnh Mỹ Central Park tại Quảng Nam

Thạnh Mỹ Central Park có vị trí tọa lạc tại khu quy hoach bố trí dân cư và khai thác quỹ đất tổ 2, Thạnh Mỹ 2, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án nằm ngay trục đường Quốc lộ 14D, trục liên tỉnh kết nối Đà Nẵng – Quảng Nam - các tỉnh Tây Nguyên, Biên giới Việt - Lào.

Thạnh Mỹ Central Park được quy hoạch với loại hình sản phẩm đất nền, cung cấp ra thị trường 154 lô đất có diện tích từ 90 – 140 m2.

Mặt bằng dự án Thạnh Mỹ Central Park.
Mặt bằng dự án Thạnh Mỹ Central Park.

Từ dự án Thạnh Mỹ Central Park trong bán kính 2 km cư dân có thể tiếp cận đầy đủ các tiện ích liền kề như: chợ Nam Giang 0,5 km, trung tâm hành chính huyện Nam Giang 1 km, trung tâm hành chính thị trấn Thạnh Mỹ 1,5 km, hệ thống trường học 1,5 km, trung tâm y tế 2 km. Cùng các tiện ích thể thao, coffee, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, tạp hoá trong bán kính 1 km.

Chủ đầu tư dự án Thạnh Mỹ Central Park Quảng Nam là Ban quản lý Dự án – quỹ đất – Đô thị huyện Nam Giang, đơn vị phát triển dự án Công ty Cổ phần Bất Động Sản SLT Đà Nẵng.

Ngày 20/08/2022, dự án Thạnh Mỹ Central Park được mở bán với mức giá từ 590 triệu đồng/m2.