Quảng Bình sẽ 'siết' loạt dự án chậm tiến độ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm vừa có chỉ đạo chỉ đạo số 2103/UBND-KT về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định Luật Đất đai năm 2013.

Trong đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; xử lý, hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các công trình, dự án có vi phạm. Kiên quyết tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư đưa đất vào sử dụng. Đồng thời, tổng hợp, lập danh sách các dự án, công trình có vi phạm để đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở, UBND tỉnh và gửi thông tin để đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.

Cùng với đó, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đánh giá nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của việc không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính (đầu tư, đất đai, xây dựng...) để đôn đốc chủ đầu tư các dự án khẩn trương thực hiện đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện tỉnh Quảng Bình có 173 dự án chậm tiến độ, chiếm tỷ lệ 22,7% tổng số dự án trên địa bàn
Hiện tỉnh Quảng Bình có 173 dự án chậm tiến độ, chiếm tỷ lệ 22,7% tổng số dự án trên địa bàn. Ảnh minh họa: Công thương

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện nay, qua rà soát của các sở ban ngành liên quan, hiện tỉnh Quảng Bình có 173 dự án chậm tiến độ, chiếm tỷ lệ 22,7% tổng số dự án trên địa bàn.

Trong đó, trong phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp có 16 dự án đã được tỉnh giao đất, cho thuê đất nhưng đang chậm tiến độ (trong đó có 7 dự án chưa thực hiện triển khai thi công). Một số dự án điển hình như: Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình tại KCN Cảng biển Hòn La của Công ty TNHH Nguồn lực Dohwa (tổng mức đầu tư 11 triệu USD; diện tích 3ha); Trung tâm thương mại Cha Lo kết hợp điểm dừng chân và điểm bán xăng dầu tại KKT Cha Lo của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hưng Phát (tổng mức đầu tư 59,7 tỷ đồng; diện tích 1,12ha).

Ngoài phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp có 87 dự án, bao gồm 39 dự án chưa triển khai thi công hạng mục nào cả, điển hình như: Dự án Khu Du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh (tổng mức đầu tư 425 tỷ đồng; diện tích 4,25 ha) của Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình; Dự án Khách sạn 4 sao Sài Gòn - Hà Nội (tổng mức đầu tư 147 tỷ đồng; diện tích 0,47 ha) của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Cát Biển Quảng Bình; Dự án Xây dựng khu khách sạn sinh thái tại xã Quang Phú, TP. Đồng Hới của Công ty cổ phần Delta (tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng; diện tích 4,75 ha); Dự án Khu Resort Golden City tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới của Công ty CP Golden City (tổng mức đầu tư 357 tỷ đồng; diện tích 9,1 ha)…

Diễn biến mới tại dự án Đà Lạt Paradise Garden Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định giao đất, cho thuê đất (đợt 3) đối với liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Công ty CP Đầu tư phát triển Hợp Phú và Công ty CP đầu tư bất động sản Tara Land để thực hiện dự án Khu dân cư số 5 giai đoạn 2 tại TP Đà Lạt.

Theo đó, tổng diện tích đất giao, cho liên danh HUD thuê theo quy hoạch là 108.011 m2. Trong đó, diện tích đất giao, cho chủ đầu tư thuê là 57.553m2 gồm 14.617m2 đất ở phục vụ kinh doanh và 42.936m2 đất cho thuê trả tiền hằng năm (gồm đất giáo dục, đất mặt nước chuyên dùng và đất công trình công cộng), thời hạn thuê, giao đất đến hết ngày 30/3/2060.

Cùng đó, diện tích đất sau khi liên danh HUD hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng, nghiệm thu đưa vào sử dụng bàn giao lại cho địa phương quản lý là 50.458m2, gồm 26.727m2 đất ở tái định cư và 23.731m2 đất giao thông, giao thông đối ngoại, hạ tầng kỹ thuật,…

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu chủ đầu tư là liên danh HUD có trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích, đúng diện tích, ranh giới và các yêu cầu khi được giao, thuê đất…

Đồng thời, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng, liên danh HUD thực hiện thủ tục nghiệm thu, bàn giao 50.458m2 đất nêu trên cho UBND TP Đà Lạt quản lý theo quy định sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng dự án.

Diễn biến mới tại dự án Đà Lạt Paradise Garden Lâm Đồng
Diễn biến mới tại dự án Đà Lạt Paradise Garden Lâm Đồng.

Được biết, dự án Khu dân cư số 5 tại phường 4, TP Đà Lạt có tên thương mại là Đà Lạt Paradise Garden. Dự án Đà Lạt Paradise Garden được duyệt quy hoạch lần đầu vào năm 2015, có quy mô khoảng 37,5ha, bao gồm 250 lô đất biệt thự, 278 lô nhà ở nhà ở thấp tầng, biệt thự phục vụ tái định cư và các công trình hỗn hợp… Tổng mức đầu tư 735 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 3.100 người.

Về chủ đầu tư, đại diện liên danh - HUD vốn là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, với ngành nghề kinh doanh chính của HUD là đầu tư phát triển các khu đô thị mới và nhà ở, kinh doanh bất động sản. Thành lập từ năm 1989, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, HUD đã và đang triển khai 25 khu đô thị mới và nhiều dự án nhà ở xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo số liệu cuối năm 2021, tổng tài sản của HUD đạt 13.067 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với năm trước. Lúc đó, doanh nghiệp nắm giữ khoảng 1.300 tỷ đồng tiền các loại; hàng tồn kho chiếm 6.451 tỷ đồng, tức phân nửa tài sản...

Về cấu trúc vốn, nợ phải trả của HUD đứng ở mức 9.312 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021, cao hơn 2,5 lần vốn chủ sở hữu (3.754 tỷ đồng).

Hai dự án treo hàng chục năm trên đất vàng TP HCM, Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ trách nhiệm

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thẩm định về việc điều chỉnh Dự án Saigon Centre-IV và Saigon Centre V của Công ty TNHH Keppel Land Watco IV và V.

Cơ quan này cho biết, theo hồ sơ gửi kèm, ngày 6/3/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Công ty TNHH Keppel Land Watco IV,V thực hiện dự án Saigon Centre IV, V.

Mục tiêu của dự án là xây dựng một cao ốc làm văn phòng cho thuê tại số 92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Quy mô sử dụng đất khoảng 3.376m2 theo quy hoạch được duyệt. Trước đó, UBND TP HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 3/2000.

Công ty TNHH Keppel Land Watco IV đã đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm 4 nội dung: Cập nhật thông tin thay đổi của các nhà đầu tư; cập nhật thông tin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bổ sung mã số thuế và bãi bỏ địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kinh tế thực hiện dự án; điều chỉnh thời hạn hoạt động; điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Keppel Land Watco IV, dự án đã được UBND TP HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 29/3/2000, tuy nhiên đến nay do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhà đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch để có thể triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 3 Điều 44 Luật Đầu tư năm 2020 quy định, đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.

“Đối với việc chậm trễ bàn giao mặt bằng dự án cho nhà đầu tư như hồ sơ báo cáo, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ ý kiến của UBND TP HCM và các cơ quan liên quan để rà soát quá trình triển khai công tác thu hồi giải phóng mặt bằng, bàn giao đất. Qua đó xác định trách nhiệm thuộc nhà đầu tư hay cơ quan nhà nước để làm cơ sở xem xét điều chỉnh thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư theo quy định” – Bộ Xây dựng nêu ý kiến.

Còn đối với đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, Bộ Xây dựng đề nghị nhà đầu tư căn cứ vào quy mô công trình, thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính liên quan (dự kiến), thời gian cho công tác chuẩn bị dự án, thi công xây dựng và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng để đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng phải xin gia hạn điều chỉnh tiến độ nhiều lần.

Bản tin bất động sản ngày 15/11: Hai dự án treo hàng chục năm trên 'đất vàng' TP HCM, Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ trách nhiệm
Cận cảnh dự án Saigon Centre nằm "đắp chiếu" 29 năm tại khu đất vàng TP HCM. Ảnh: Dân Việt

Theo tìm hiểu, Dự án Saigon Center tại địa chỉ số 92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Tp.HCM được Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp phép đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH FPSL Watco, theo Giấy phép đầu tư số 626/GP ngày 19/6/1993 và Giấy phép điều chỉnh số 626/GPĐC1 ngày 31/3/1995.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 270.087.898 USD, vốn pháp định của Công ty liên doanh là 121.087.266 USD (trong đó: bên Việt Nam góp 38.747.925 USD chiếm 32% vốn pháp định, Bên nước ngoài góp 82.339.341 USD, chiếm 68% vốn pháp định, bằng máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện vận chuyển và tiền nước ngoài).

Ngày 27/12/1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định số 343/BKH-QLDA chuẩn y việc phân chia Dự án tổng thể thành 05 dự án thành phần. Ngày 28/12/1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư số 626A/GP, 626B/GP, 626C/GP, 626D/GP, 626E/GP cho các dự án thành phần là Saigon Centre-I, Saigon Centre-II, Saigon Centre-Ill, Saigon Centre-IV, Saigon Centre-V, tương ứng với các nhà đầu tư là Công ty TNHH Keppel Land Watco-I, Công ty TNHH Keppel Land Watco-II, Công ty TNHH Keppel Land Watco-III, Công ty TNHH Keppel Land Watco-IV, Công ty TNHH Keppel Land Watco-V.

Bên Việt Nam trong liên doanh được điều chỉnh qua từng thời kỳ từ Tổng Công ty vận tải thủy II và Công ty Quản lý và kinh doanh Nhà sang Tổng Công ty vận tải thủy II và Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn. Sau đó là Tổng Công ty cổ phần Đường sông Việt Nam và Tống Công ty Địa ốc Sài Gòn.

Thời hạn hoạt động của các dự án là 50 năm kể từ ngày 19/6/1993. Hết thời hạn này, toàn bộ giá trị tài sản cố định của Công ty liên doanh được chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam.

Sau nhiều lần điều chỉnh Giấy phép đầu tư, đến nay, Dự án Saigon Centre-IV của Công ty TNHH Keppel Land Watco-IV hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 1058784368, còn dự án Saigon Centre-V của Công ty TNHH Keppel Land Watco-V hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 6531777605, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp ngày 6/3/2017

Về tình hình triển khai, dự án tổng thể đã hoàn thành xây dựng Saigon Centre-I, Saigon Centre-II, Saigon Centre-Ill đã đưa vào hoạt động. Trong khi đó Saigon Centre-IV, Saigon Centre-V vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng do chưa được bàn giao mặt bằng.

Ngày 11/7/2018, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh thời hạn hoạt động các dự án thành “50 năm kể từ ngày được bàn giao đất” với lý do nhà đầu tư vẫn chưa được bàn giao mặt bằng tại các khu đất có diện tích 3.376m2 (dự án Saigon Centre IV) và 5.247m2 (dự án Saigon Centre V) để triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Việc điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án sẽ dẫn tới thay đổi điều kiện chuyển giao không bồi hoàn (thời gian chuyến giao theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hữu là đến năm 2043, nay sẽ kéo dài dự kiến đến năm 2070), thay đổi các điều kiện về giao thuê đất nên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, ngày 21/6/2019, UBND TP HCM cũng đã có Văn bản số 2458/UBND-DA báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc gia hạn thời hạn hoạt động của các dự án Saigon Centre IV và Saigon Centre V.

Dự án khu dân cư Happiness Residence Long Thành tại Đồng Nai

Happiness Residence Long Thành có vị trí tọa lạc tại trung tâm xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có 4 mặt tiền đường lớn, bao gồm đường Phước Bình (đang mở rộng lên thành 32 m), Quốc lộ 51C (60 m), đường liên vùng sân bay Phước Bình – Bầu Cạn (32 m), đường liên vùng sân bay Phươc Bình – Tân Hiệp (32 m).

Happiness Residence Long Thành có tổng diện tích quy hoạch 7,6 ha, đượ thiết kế xây dựng với loại hình sản phẩm đất nền nhà phố và biệt thự. Cung cấp ra thị trường 380 sản phẩm có diện tích đa dạng từ 80 - 160 m2.

Dự án Happiness Residence Long Thành sở hữu hệ thống tiện ích nội khu được chú trọng đầu tư phát triển, tiêu biểu là: 8 công viên đa chức năng, công viên Bách Hỷ, đảo nhân tạo, trung tâm thương mại, khu sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi cho trẻ em, khu tập thể dục, phố thương mại, dịch vụ…

Phối cảnh tiện ích tại dự án Happiness Residence Long Thành
Phối cảnh tiện ích tại dự án Happiness Residence Long Thành.

Từ dự án, cư dân thuận tiện di chuyển đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tiếp cận nhanh đến UBND xã Phước Bình, KCN Gò Dầu, KCN Phước Bình, khonagr 10 phút di chuyển đến cảng hàng không quốc tế Long Thành, 30 phút đến Khu đô thị Thủ Thiêm và khoảng 40 phút đến trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ đầu tư dự án Happiness Residence Long Thành là Công ty TNHH Xây dựng và TMDV Việt Tín Land, được thành lập ngày 27/04/2018, đặt trụ sở tại 416B đường Nguyễn Xiển, khu phố Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Các sản phẩm tại dự án có mức giá ban đầu khoảng 568 triệu đồng/sản phẩm.